
Đề bài: Tình yêu quê hương đất nước là một đề tài nổi bật của thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954. Anh (chị) hãy phân tích những nét chung và đặc điểm riêng của cảm hứng về quê hương đất nước trong các bài thơ: “Bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm), “Việt Bắc” (Tố Hữu) và “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi.
NỘI DUNG TÓM TẮT
Mở bài: Cảm hứng trong bài Bên kia sông Đuống, Việt Bắc và Đất nước
Tình yêu quê hương đất nước là một nguồn thơ không bao giờ vơi cạn trong đời sống văn học nước ta, đặc biệt trong thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Hơn lúc nào hết, tình cảm ấy thấm đượm trong từng bài thơ, nó trở thành cảm hứng chủ đạo của thơ kháng chiến. Trong đó, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Việt Bắc của Tố Hữu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi nổi lên như những bài thơ xuất sắc nhất về tình yêu quê hương đất nước trong thời kỳ này.
Thân bài: Cảm hứng trong bài Bên kia sông Đuống, Việt Bắc và Đất nước
Tình yêu chân thực và sâu sắc bao giờ cũng có nội dung và sắc thái cụ thể. Trước tình cảm đất nước bị quân thù giày xéo, các nhà thơ nhận rõ hơn ai hết nghĩa vụ và trách nhiệm của một người công dân yêu nước. Vì thế, tiếng thơ của họ có một cảm hứng chung về Tổ quốc là nỗi xót xa căm giận khi đất nước, quê hương vị quân thù tàn phá, từ đó càng yêu thêm đất nước giàu đẹp, tự hào về dân tộc anh hùng – tình nghĩa và càng ra sức bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Năm 1948, Hoàng Cầm viết bài Bên kia sông Đuống, tình yêu quê hương đất nước ở đây trước hết là nỗi xót xa nuối tiếc về một vùng quê hương trù phú nay đã nằm trong tay giặc. Trong ký ức của nhà thơ quê hương, Kinh Bắc từ xa xưa hiện về với những hình ảnh thật đẹp và đáng yêu biết bao.
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay.
Đất nước hiện lên ở Bên kia sông Đuống là một vùng Kinh Bắc với truyền thống văn hóa lâu đời, với những hội hè đình đám “trên núi Thiên Thai, trong chùa Bút Tháp, giữa huyện Lang Tài”. Từ những di tích lịch sử đền chùa miếu mạo đến chợ Hồ, chợ Sủi, Đồng Tỉnh, Huê Cầu… tất cả đều hiện về rõ mồn một trong tâm tưởng của nhà thơ. Đặc biệt, trong tranh Đông Hồ – những bức tranh dân gian đặc sắc – phản ánh những nét sinh hoạt và phong tục xưa của làng xã Việt Nam như: đám cưới chuột, lợn hà, hứng dừa, đánh ghen… Tất cả những “hồn cốt dân tộc” ấy trong niềm yêu mến và tự hào của nhà thơ như chợt bừng lên rực rỡ.
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.
Bên kia sông Đuống còn có những con người không thể nào quên:
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu.
Và đẹp nhất, tươi thắm nhất là những khuôn mặt búp sen của những cô gái Kinh Bắc “cười như mùa thu tỏa nắng”. Đúng là nét riêng của con người Kinh Bắc không thể lẫn đâu được. Câu thơ được viết lên với tất cả tình yêu mến và tự hào sâu sắc của một người con Kinh Bắc.
Nhưng rồi quân giặc tràn đến, với Hoàng Cầm, đó là những ngày khủng khiếp nhất. Ruộng khô, nhà cháy, quán đổ, chợ tan, là “mẹ già còm cõi gánh hàng rong” chắt chiu cho cuộc sống “chưa bán được một đồng” mà đã phải chạy loạn “bước cao thấp trên bờ tre hun hút”, là những em thơ cuộc đời đã nghèo khó “cơm độn sắn ngô” mà đến cả giấc ngủ nào đã yên “ú ớ cơn mê, thon thót giật mình” và “bóng giặc giày vò những nét môi xinh. Hoàng Cầm cảm giác như ngay cả những cảnh yên ấm tưng bừng vui tươi trong những bức tranh làng Hồ cũng không còn nữa:
Mẹ con đàn lợn âm dương
Chia lìa đôi ngả
Đám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã
Bây giờ tan tác về đâu.
Câu thơ “Bây giờ tan tác về đâu” như chất chứa cả một khối căm hận cùng nỗi đau đớn xót xa và sự nuối tiếc khôn nguôi của tác giả đối với những vẻ đẹp truyền thống của quê hương đất nước bị quân thù chà đạp. Nó trở thành một điệp khúc “bây giờ đi đâu về đâu” vang lên suốt cả bài thơ.
Bài thơ Bên kia sông Đuống ra đời đã được nhiều người đón nhận như những tình cảm đẹp đã nhất của chính mình dành cho quê hương đất nước bởi bài thơ đã nói rất đúng và chân thành tình cảm của mỗi con người Việt Nam. Kinh Bắc cũng không phải của riêng Hoàng Cầm mà nó là một phần máu thịt của đất nước, vẻ đẹp của Kinh Bắc tiêu biểu cho truyền thống của dân tộc, chính vì vậy tình cảm được nói lên trong bài thơ rất riêng mà lại rất chung là vì thế.
Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi được sáng tác trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến (1948 – 1955). Rất khác với Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Nguyễn Đình Thi không viết về một hình ảnh cụ thể của một miền quê hay một sự kiện lịch sử cụ thể nào mà cảm hứng chủ đạo của tác giả là cảm hứng tổng hợp về quê hương đất nước, về Tổ quốc trong kháng chiến chống Pháp gian khổ và chiến thắng.
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha.
Nhưng vui nhất vẫn là được đứng trước một vẻ đẹp tiềm tàng của đất nước được trải ra với không gian ba chiều. Từ trời xanh, núi rừng, cánh đồng, ngả đường, dòng sông đâu đâu cũng thơm mát, bát ngát, tất cả đều là “của chúng ta”. Ba chữ “của chúng ta” vang lên đầy từ hào yêu mến, thiết tha sâu nặng. Nhưng đất nước đâu chỉ biểu hiện ở những cái cụ thể, hữu hình. Nhà thơ đã thấy được trong sâu thẳm của chiều dài thời gian, những tiếng nói cười của truyền thống, của quá khứ đang vọng về “rì rầm trong tiếng đất”. Đoạn thơ đang được tấu lên như một khúc nhạc giao hưởng rộn ràng náo nức, đến đây bỗng trầm hẳn xuống, chững lại một không gian trang nghiêm sâu lắng với những suy tư khái quát:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về.
Quân thù đã gieo rắc tội ác khắp nơi. Nỗi đau thương trước cảnh quân thù được Nguyễn Đình Thi nói đến bằng những hình ảnh vừa có ý nghĩa hiện thực vừa tượng trưng khái quát:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều.
Đất nước đã đứng dậy từ trong đau thương, cũng như đã bốn nghìn năm đất nước đã đứng lên và chiến thắng. Những người áo vải đã trở thành anh hùng. Đoạn kết bài thơ là hình ảnh tượng trưng cho sự đứng dậy hào hùng chói lọi trong khói lửa chiến đấu từ đau thương căm hờn của đất nước:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
Đoạn thơ mang âm hưởng hào hùng của cuộc chiến đấu, tiếng súng của chiến trường dội lên “rung trời giận dữ”, khí thế của quân dân ào ạt xông lên như nước vỡ bờ và từ trong đau thương máu lửa, từ trong đêm tối, cả dân tộc đứng dậy ngời chói tương lai.
Tháng 10 – 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp đã kết thúc với thắng lợi vẻ vang, Trung ương Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Tố Hữu viết bài thơ Việt Bắc. Với đất nước, Việt Bắc là quê hương của cách mạng. Bài thơ nói lên nghĩa tình thắm thiết của những cán bộ miền xuôi với người dân Việt Bắc và cuộc kháng chiến gian khổ nay đã thành những kỷ niệm sâu nặng để trong niềm vui hiện tại vẫn không quên những cội nguồn của thắng lợi, không quên những ngày tháng gian khổ nghĩa tình gắn bó để càng tin tưởng ở tương lai. Việt Bắc không chỉ là tiếng nói riêng của Tố Hữu mà còn là tiêu biểu cho ý nghĩ, tình cảm cao đẹp của con người đối với kháng chiến, với Việt Bắc, với đất nước; nhân dân với kháng chiến và cách mạng. Tất cả những tình cảm này đan xen vào nhau mang đến cho bài thơ một sắc thái mới, tình cảm chính trị nhưng lại rất trữ tình bởi Tố Hữu đã thể hiện nó một cách tự nhiên, đầy cảm xúc trong bối cảnh chia tay đầy lưu luyến và ông đã khéo léo dùng lối đối đáp giao duyên trong ca dao dân ca bằng việc sử dụng đại từ “mình, “ta” rất quen thuộc. Chính vì thế tình nghĩa ở đây càng trở nên sắt son, sâu nặng.
Tình nghĩa ở đây thể hiện lên qua nỗi nhớ. Đó là nỗi nhớ da diết mênh mông với nhiều sắc thái khác nhau về con người và cuộc sống nơi kháng chiến nghĩa tình. Nghĩa tình ở đây bắt nguồn từ sự san sản, chia nhau những vất vả khó khăn, cùng gánh vác nhiệm vụ. Nghĩa tình càng đẹp hơn trong cuộc sống gian nan thiếu thốn, càng sắt son thấm thía trong khó khăn thử thách:
Mình về có nhớ chiến khu
Miếng cơm chấm muối mối thù nặng vai
…………………………………………
Thương nhau chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng.
Theo dòng hoài niệm, những kỷ niệm về những năm tháng kháng chiến ở Việt Bắc hiện lên với vẻ đẹp đa dạng trong thời gian và không gian khác nhau trong lúc thời tiết “nắng sớm”, “sương chiều”, “trăng khuya”. Một thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng với những cảnh thật thanh bình “tiếng mõ rừng chiều”, “chày đêm nện cối” của niềm yêu và gắn bó sâu sắc. Tố Hữu đã có những câu thơ thật đẹp về cảnh bốn mùa ở Việt Bắc, thiên nhiên và con người ở nơi đây hài hòa biết bao:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
……………………………
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Việt Bắc không có những đoạn thơ thể hiện nỗi xót xa, căm giận kẻ thù như Bên kia sông Đuống và Đất nước, nhưng cảm hứng anh hùng ca vẫn là cảm hứng nổi bật khi Tố Hữu nhớ về những trận đánh lịch sử Phủ Thông, Đèo Giàng về những chiến dịch Cao – Lạng, Tây Bắc, Điện Biên Phủ. Khung cảnh Việt Bắc được tác giả miêu tả trên những cảnh rộng lớn. Những cảnh tượng tấp nập sôi động của cuộc kháng chiến được vẽ lên bằng bút pháp của những tráng ca:
Những đường Việt Bắc của Ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Kết luận: Cảm hứng trong bài Bên kia sông Đuống, Việt Bắc và Đất nước
Như vậy, ba bài thơ của ba tác giả khác nhau được viết trong những bối cảnh khác nhau, mang ba phong cách và nội dung khác nhau nhưng đều thể hiện nổi bật những vẻ đẹp của Tổ quốc và niềm tin yêu, lòng tự hào dân tộc. Hình cảnh đất nước, con người Việt Nam trong ba bài thơ đã làm cho ta xúc động và nuôi lớn trong ta tình yêu quê hương, đất nước.