
Đề bài: Phân tích hình tượng “sóng” trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Anh (chị) cảm nhận được gì về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ này.
NỘI DUNG TÓM TẮT
Mở bài: Cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ “Sóng”
Tình yêu từ xưa đến nay vẫn là niềm cảm xúc khiến con người khao khát, đam mê. Đã có biết bao người yêu nhau và có biết bao nhà thơ trên thế gian viết về tình yêu. Trong số các nhà thơ hiện đại, Xuân Quỳnh là một trong những người xứng đáng được gọi là nhà thơ của tình yêu. Tiếng thơ của chị là lời bày tỏ trực tiếp của một trái tim phụ nữ. Trong số những bài thơ tình của Xuân Quỳnh phải kể đến bài thơ Sóng, một bài thơ góp phần diễn tả sức sống, niềm khát khao mãnh liệt của tâm hồn nhà thơ về tình yêu, cuộc sống.
Thân bài: Cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ “Sóng”
Đọc bài thơ Sóng, ta thấy dâng trào một tình yêu nồng nàn của tuổi trẻ bởi hình tượng “sóng” bao trùm và xuyên suốt dọc bài thơ. Đi đôi và gắn liền với hình tượng “sóng” là “em” – cái tôi trữ tình của nhà thơ. Hai nhân vật ấy “sóng” và “em” – tuy hai là một có lúc phân đôi ra để soi chiếu vào nhau làm nổi bật sự tương đồng, có lúc lại hòa nhập là một để tạo thêm âm vang cộng hưởng. Hai hình tượng này đan cài, quấn quýt lấy nhau và song song tồn tại từ đầu đến cuối bài thơ để diễn tả sâu sắc khát vọng tình yêu đang cuộn trào trong trái tim thi sĩ.
Hình tượng “sóng” biểu đạt tình yêu con người đã trở thành khá quen thuộc trong thơ ca cổ điển và hiện đại, từ sóng sông đến sóng lòng, sóng tình là cả một trường liên tưởng lí thú, bởi giữa chúng có nét đồng điệu thật tinh thế chúng ta đã hơn một lần được biết đến con sóng ấy:
Sóng tình dường đã liêu xiêu
(Nguyễn Du)
Dâng cả tình yêu lên sóng mắt
(Xuân Diệu)
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
(Thâm Tâm)
Nhưng hình tượng “sóng” trong bài thơ của Xuân Quỳnh vẫn là một sự tìm tới nghệ thuật độc đáo của nữ sĩ. Đọc bài thơ ta như nghe thấy tiếng rộn vang của sóng. Cảm giác ấy được gợi ra từ nhịp điệu bài thơ. Thể thơ năm chữ đều đặn nhịp nhàng giống như những làn sóng miên man trên biển cả triền miên vô hồi, vô hạn. Các dòng thơ chủ yếu được thể hiện qua thanh bằng, các thanh trắc chiếm tỉ lệ rất thấp cũng góp phần mô phỏng những con sóng mênh mông của biển cả. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã nhận thấy những con sóng ấy thật đồng điệu với cảm xúc tình yêu trong trái tim con người, đặc biệt là người phụ nữ. Bởi vậy, hình tượng “sóng” trong bài thơ vừa là hiện tượng khởi nguồn cảm xúc cho thi sĩ vừa là sự kết đọng những trải nghiệm của nhà thơ trong tình yêu.
Bài thơ mở đầu bằng việc mô tả trạng thái đối cực của sóng:
Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ.
Trạng thái này hẳn ai cũng từng biết khi đứng trước biển cả. Trước trạng thái đầy mâu thuẫn đó, nhà thơ Xuân Quỳnh đã đưa ra một cách lí giải thú vị:
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể.
Xuân Quỳnh đã phát hiện thấy những con sóng ấy chứa đầy tâm trạng và dường như mang theo cả hồn người đang yêu.
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ.
Ngàn đời nay muôn ngọn sóng vẫn tuôi trào trên sông nước biển cả trong trái tim tuổi trẻ. Tình yêu luôn rạo rực, xôn xao như muôn ngàn đợt sóng, có lúc dữ dội ồn ào, có lúc lại dịu êm lặng lẽ, mà trong trái tim người đang yêu lúc ngập tràn thương mến, lúc lại đau xót nghẹn ngào. Có thể nhà thơ cũng từng biết về điều ấy:
Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu
Nỗi sung sướng khổ đau của nó là vô biên
Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu
(Ta-go)
Sông muôn đời vẫn thế, tình yêu muôn đời như thế. Bằng hình ảnh ngọn sóng, nhà thơ Xuân Quỳnh đã diễn tả một cách cụ thể trạng thái tâm lý thông thường, đầy bí ẩn của tình yêu. Kể từ đó, nữ sĩ tiếp tục nói về điều và đã từng làm bao người băn khoăn tìm lời lí giải. Đó là điệp khúc bắt đầu của tình yêu:
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau.
Cũng bằng hình ảnh ngọn sóng ấy, Xuân Quỳnh đã về thời điểm ban đầu của tình yêu. Cũng như sóng, cũng như gió, tình yêu cũng thật bất ngờ như ai đó từng viết: “Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết”. Thật khó lí giải được câu hỏi ấy, nhưng Xuân Quỳnh đã mượn sóng để nhận ra mình, nhận ra tâm trạng của mình khi yêu.
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được.
Lời thơ gợi lên lớp lớp sóng trên “mặt nước”, dưới “lòng sâu” cứ mãi đêm ngày hướng vào bờ xa, chỉ bởi một lí do giản dị và đáng yêu “Con sóng nhớ bờ – Ngày đêm không ngủ được”. Thổi tâm trạng vào muôn lớp sóng ấy, nhà thơ bỗng thấy có hồn mình trong đó, để rồi thốt lên cùng sóng: “Lòng em nhớ đến anh – Cả trong mơ còn thức”. Dường như mượn sóng để nói về nỗi nhớ nhưng chưa đủ, chưa thỏa nên nhà thơ đã tìm một cách bộc bạch trực tiếp hơn, đó là nỗi nhớ thương thường trực theo thời gian, tồn tại trong ý thức và tiềm thức, len lỏi trong từng giấc ngủ, cơn mơ. Đã có biết bao vần thơ trên thế gian nói về nỗi nhớ ấy mà vẫn như chưa đủ, bởi những đôi lứa yêu nhau vẫn còn nhớ nhau và chỉ nhớ nhau trong xa cách biệt li. Có thể nói, nỗi nhớ là đồng hành cùng với tình yêu trong suốt hành trình cuộc đời mà Xuân Quỳnh đã cảm nhận một cách thấm thía nhất. Đã có rất nhiều nhà thơ mượn sóng để tả tình, nhưng đọc bài thơ Xuân Quỳnh, ta vẫn nhận ra ngọn sóng riêng của cũa nữ thi sĩ trong muôn nghìn con sóng ấy. Đó là ngọn sóng khát vọng thủy chung, như tâm trạng người phụ nữ trong tình yêu:
Ở ngoài kia đại dương
Trăm ngàn con sóng đó
Con nào chẳng nhớ bờ
Dù muôn trùng cách trở.
Lời thơ diễn tả một sự hiển hiên của ngọn sóng. Những con sóng ngoài đại dương mải miết giữa trùng khơi không quản muôn vời cách trở để tới được bờ xa. Biết bao nhọc nhằn nhưng cũng biết bao tin tưởng, quyết tâm. Những ngọn sóng ấy cũng là “em”, dù ở nơi chân trời góc bể nào cũng hướng về “anh” một phương. Có lẽ đây là tâm trạng chung của một người phụ nữ khi yêu, nhất là với Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh khao khát một tình yêu hết mình và quên mình, nhưng cũng đòi hỏi sự duy nhất, sự tuyệt đối bền lâu. Chính điều này khiến cho hình tượng con sóng trong thơ chị khác với những ngọn sóng khác trong thơ ca.
Sau khi soi tình yêu của mình vào sóng, nhân vật trữ tình đã hóa thân thành sóng để tồn tại vĩnh hằng:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.
Nhà thơ muốn hòa tan tình yêu của mình vào sóng lòng, hòa tình yêu cá nhân riêng của mình vào tình yêu chung của cuộc đời. Đời người chỉ là hữu hạn, mà nhà thơ muốn tình yêu là bất tử, tồn tại vĩnh viễn với đất trời, sóng bể. Khát vọng ấy trong sáng biết bao, cao đẹp biết bao!
Kết luận: Cảm nhận về tâm hồn người phụ nữ trong bài thơ “Sóng”
Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh đủ để cho ta khẳng định rằng chị là một trong những nhà thơ viết về tình yêu hay nhất của nền văn học hiện đại Việt Nam. Hình tượng “sóng” trong bài thơ đã cho thấy hồn thơ của chị luôn bộc lộ khát vọng say đắm, rạo rực những suy tư, trăn trở. Đó là một hồn thơ mang tâm trạng không yên ổn mà đầy bão tố. Có lẽ bài thơ được dệt bằng sợi nhớ, sợi thương, sợi đau, sợi túi rút ra từ chính trí tim Xuân Quỳnh. Bởi vậy, bài thơ Sóng và hình tượng “sóng” vừa diễn đạt tình yêu chung muôn thuở, lại vừa bày tỏ những cảm xúc, suy tư riêng của nhà thơ. Chính vì thế “sóng” sẽ còn dào dạt mãi trong trái tim người đọc hôm nay và mai sau.