
Đề bài: Em hãy chứng minh nhận định “Các chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thực những chặng đường cách mạng gian khổ hy sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc”.
NỘI DUNG TÓM TẮT
Mở bài: Chứng minh nhận định trong thơ Tố Hữu
Trong nền thơ ca cách mạng Việt Nam, Tố Hữu luôn được khẳng định là ngọn cờ đầu. Suốt hơn bốn mươi năm, thơ Tố Hữu trở thành tiếng nói đại diện cho dân tộc. Tố Hữu ngày càng tự khẳng định là nhà thơ chữ tình chính trị mẫu mực. Đời thơ và đời cách mạng ở Tố Hữu thống nhất là một. Bởi vậy, từng chặng đường thơ Tố Hữu tương ứng song hành với quá trình vận động đi lên của lịch dân tộc. SGK Ngữ văn 12 (tập một) nhận định “Các chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thực những chặng đường cách mạng gian khổ hy sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc”.
Thân bài: Chứng minh nhận định trong thơ Tố Hữu
Ngay từ buổi đầu đến với thơ ca, tâm hồn Tố Hữu đã thuộc về đấu tranh cách mạng. Tập thơ Từ ấy ghi nhận chặng đường mười năm đầu đầy ý nghĩa trong đời thơ Tố Hữu. Đó là quá trình từ một thanh niên học sinh yêu nước được “mặt trời chân lý chói qua tim”, bước lên con đường cách mạng ngày một trưởng thành đến khi trở thành một người chiến sĩ cộng sản kiên cường.
Tập thơ Từ ấy cất lên tiếng hát yêu thương đối với những kiếp người cùng khổ. Tình yêu thương này mang tính giai cấp sâu sắc, bởi nó hướng về những nạn nhân bị xã hội đọa đày (những em bé mồ côi đi ở, những đàn rong hát dạo, những người phụ nữ bất hạnh, những người đầy tớ suốt ngày làm việc quá trâu cày mà chủ còn hắt hủi…). Từ lòng yêu thương ấy, người thanh niên cách mạng ấp ủ khát vọng đấu tranh chiến đấu để giải phóng những con người nghèo và để giành độc lập dân tộc. Nhiều bài thơ của tập Từ ấy “cất lên tiếng hát chiến đấu say mê của người thanh niên giàu nhiệt huyết” (Ý xuân, Liên hiệp lại, Như những con tàu, Tâm tư trong tù,…). Ý tưởng cộng sản đã đem đến cho ngươi thanh niên niềm tin vào tương lai tươi sáng của con đường cách mạng. Từ ấy còn là tiếng hát lạc quan tin tưởng hướng về ngày mai tươi sáng của dân tộc. Hình ảnh tương lai như vẫy gọi người chiến sĩ bền bỉ đấu tranh (Tiếng hát sông Hương, Hy vọng, Xuân nhân loại…). Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai đã nhận xét thật chính xác khi cho rằng tập thơ Từ ấy là một “bó hoa lộng lẫy” kết tinh hiện thực đấu tranh của dân tộc.
Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đã làm nên tập thơ Việt Bắc (1946 – 1954) của Tố Hữu. Đây là một trong những tác phẩm đỉnh cao của nền thơ ca kháng chiến. Tập thơ từng được giải Nhất trong Giải thưởng Văn nghệ đầu tiên năm 1955. Nếu như Từ ấy chủ yếu bộc lộ cái tôi trữ tình của tác giả trên bước đường cách mạng thì Việt Bắc lại trở thành bức tranh sinh động phản ánh cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện. Từ đây, thơ Tố Hữu trở thành bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam trong kháng chiến với nhiều lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Đó là những bà mẹ giàu lòng yêu nước, nặng tình thương con, bao giờ cũng đặt nghĩa vụ đất nước lên trên tình cảm gia đình (Bầm ơi, Bà bủ, Bà mẹ Việt Bắc,…). Đó là những người phụ nữ đối đám việc nhà, lo việc nước, lúc nào cũng hăng hái tham gia công tác kháng chiến (Phá đường). Đó là em bé Lượm hồn nhiên, gan dạ. Đó là những người phụ nữ kháng chiến (Phá đường). Đó là em bé Lượm hồn nhiên, gan dạ. Đó là những người chiến sĩ vệ quốc quân dũng cảm bất chấp mọi hiểm nguy (Cá nước, Lên Tây Bắc, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên,…).
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, đất nước ta bước sang thời kỳ lịch sử mới. Từ đây, thơ Tố Hữu cũng chuyển mình, bám sát yêu cầu mới của đời sống cách mạng. Từ tập Gió lộng (1955 – 1961), thơ Tố Hữu phát triển trên hai đề tài lớn tương ứng với hai nhiệm vụ cách mạng: ca ngợi chiến công lao động xây dựng chế độ mới ở miền Bắc và kêu gọi đấu tranh thống nhất nước nhà ở miền Nam:
Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh
Vẫn nóng viết những dòng thơ lửa cháy.
(Có thể nào quên)
Khi cả nước ra trận đánh Mỹ, thơ Tố Hữu cũng Ra trận. Ông tập trung phản ánh chủ nghĩa anh hùng cách mạng của con người Việt Nam trong cuộc chiến đấu quyết liệt, ngợi ca tầm vóc vẻ vang của Tổ quốc Việt Nam trong thời đại đánh Mỹ. Càng về sau, thơ Tố hữu càng mang tầm khái quát cao khi đề cập đến những sự kiện lịch sử trọng đại. Ông đã xây dựng thành công những hình ảnh mang tính biểu tượng, ngợi ca đất nước và con người. Tập thơ Máu và hoa (1972 – 1977) đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Tố Hữu gắn liền những năm tháng đánh Mỹ hào hùng của dân tộc. Tập thơ là một bản hùng ca ca ngợi cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Ông đã tổng kết quá trình phát triển của dân tộc, của cách mạng Việt Nam:
Đâu phải đường xanh, đường qua máu lửa
Năm mươi năm máu nở thành hoa.
Khi miền Nam được giải phóng, non sông liền một dải, Tố Hữu vẫn bền bỉ sáng tác. Thơ ông có thêm nhiều suy ngẫm về cuộc đời. Tập thơ Một tiếng đờn và Ta với ta (1999) là những dòng tâm tư, trăn trở từ mạch cảm xúc trong thời bình này. Đời thôi lửa cháy nên xuất hiện những dòng thơ tươi xanh – mang đậm cảm hứng thế sự. Đề tài thơ phong phú đa dạng: ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, tình yêu và số phận con người… Âm hưởng thơ đã bớt hướng ngoại mà vọng sâu hơn, hướng nội hơn:
Em nghe đó, trong đêm lạnh
Đằm thắm bên tiếng đờn
Có thể nói, trong dòng chảy sôi động của cuộc sống đời thường, Tố Hữu đã tìm đến với những chiêm nghiệm mang tính phổ quát về cuộc đời và con người.
Vượt lên bao biến động thăm trầm, thơ Tố Hữu vẫn kiên định niềm tin vào lý tưởng vào con đường cách mạng.
Kết luận: Chứng minh nhận định trong thơ Tố Hữu
Điểm lại các chặng đường thơ Tố Hữu, chúng ta càng thấy rõ rằng ông càng ngày càng trở thành tiếng nói đại diện cho dân tộc, cho đất nước. Con đường thơ Tố Hữu gắn bó cùng với quá trình phát triển cách mạng hào hùng của dân tộc gần nửa thế kỷ qua. Đúng như nhận định “Các chặng đường thơ của Tố Hữu luôn gắn bó và phản ánh chân thực những chặng đường cách mạng gian khổ hy sinh nhưng cũng nhiều thắng lợi vinh quang của dân tộc”. Có thể nói, Tố Hữu là người “viết sử Việt Nam hiện đại bằng thơ).