Đưa ra nhận xét về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt”

Đề bài: Em có nhận xét gì khi đọc xong hai tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài và “Vợ nhặt” của Kim Lân

Mở bài: Đưa ra nhận xét về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt”

Con người Việt Nam từ bao đời nay vẫn mang trong mình một trái tim nhân đạo sâu sắc và một khát khao sống hạnh phúc mãnh liệt. Dẫu khổ đau, dẫu bị vùi dập, sức sống ấy vẫn không mất đi mà luôn lắng lại, đằm sâu, tiềm ẩn trong con người họ và để rồi một lúc nào đó nó lại bùng lên mãnh liệt. Từ cuộc đời, cuộc sống họ đã bất tử trong văn học như Mị, A Phủ trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, như vợ chồng Tràng, bà cụ Tứ trong Vợ nhặt của Kim Lân.

dua ra nhan xet ve tac pham vo chong a phu va vo nhat 3 1

Thân bài: Đưa ra nhận xét về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt”

Trong Vợ chồng A Phủ, đó là số phận của Mị và A Phủ. Mị thì “suốt ngày lầm lũi trong xó cửa”. Là một cô gái xinh đẹp nhất Hồng Ngài, nhưng vừa lớn lên Mị đã phải gánh trên vai món nợ truyền kiếp từ đời cha mẹ. Mị trở thành con dâu gạt nợ cho nhà thống lý. Nghe từ “con dâu gạt nợ” sao mà xót xa. Bởi tuy mang tiếng là dâu, nhưng thực ra Mị chỉ là người ở không công cho nhà thống lý. Mị nín lặng, âm thầm chịu đựng số phận như bao người đàn bà khác trong nhà thống lý. Nhưng sức sống trong Mị không bị dập mắt. Bởi sau những đêm tình mùa xuân, sau những lần vùng lên mạnh mẽ nhưng bị vùi dập, bị chà đạp thì ngọn lửa tình yêu, khát khao tự do trong Mị nguội dần nhưng vẫn âm ỉ cháy. Vì thế trước việc A Phủ bị đánh và trói, bỏ mặc cho đến chết, ban đầu Mị rất dửng dưng. Nhưng rồi, một đêm “Mị lé mắt trông sang, thấy hai con mắt A Phủ cũng mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại”, Mị bỗng thấy thương A Phủ. Bởi Mị chợt nhớ lại hình ảnh của Mị những lần bị trói trước đây. Mị thương mình, thương A Phủ và nhận ra “chúng nó thật độc ác”. Và Mị vùng lên cắt dây trói giải thoát cho A Phủ, cũng đồng thời giải thoát cho chính mình.

dua ra nhan xet ve tac pham vo chong a phu va vo nhat 44

Còn A Phủ bị bắt về gạt nợ cho sự sống của chính mình. Nếu như Mị là món nợ truyền kiếp của sự đói nghèo, cơ cực thì A Phủ là món nợ của kiếp người làm tôi tớ của một người bị tước đoạt tự do và bị chà đạp bởi sự nghèo hèn. Là con người ham thích cuộc sống tự do và trọng lẽ công bằng, A Phủ đã đánh A Sử, con trai thống lý khi hắn hống hách, ngang ngược. Nhưng A Phủ đã phải gánh hậu quả là bị phạt vạ và bị bắt đi ở trừ nợ “Đời mày, đời con mày, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi”. Và cũng giống như Mị. Từ một chàng trai ngang tàng, ham thích cuộc sống tự do và trọng lẽ công bằng, A Phủ đã trở thành một con người chỉ biết cam tâm chịu kiếp con trâu, con ngựa trong nhà thống lý. Cả Mị và A Phủ đã bị những kẻ thống trị là thui chột đi khát vọng sống, ý thức làm người, nhưng không vì thế mà họ mất đi ước vọng tự do.

Những con người trong Vợ nhặt lại khác. Họ cũng đói nghèo nhưng dẫu sao về mặt tinh thần và tình cảm của họ cũng đỡ xót xa hơn thân phận của Mị và A Phủ. Chao ôi, đói quay quắt, ngay cả một thanh niên khỏe như Tràng mà cũng không kiếm nổi ăn. Hàng vạn người chết đói. Người chết đói la liệt từ đầu đường đến xó chợ. “Vợ Tràng” cũng đói – ta chỉ có thể gọi tên chị như vậy sau khi chị “theo không” Tràng – còn trước đó có ai biết rõ chị đâu. Bởi chị – trong muôn vạn người đang chờ chết đói kia vô tình gặp được Tràng, qua lại dăm ba câu rồi thành vợ thành chồng. Trong hoàn cảnh ấy chị cũng không biết phải làm gì nữa, miễn là được ăn, được sống. Người ta về làm dâu, ngày cưới – tuy chị không bị bắt ép như Mị – nhưng chị là kẻ phải nhắm mắt đưa chân cũng vì cái sự đói nghèo. Mị cũng vì đói nghèo truyền kiếp mà bị bắt về làm dâu nhà thống lý. Cha mẹ Mị cũng vì nghèo mà phải vay nợ nhà thống lý, rồi cả đời làm quần quật vẫn không đủ trả nợ nên nghèo vẫn hoàn nghèo, lại phải đau đớn gạt nợ con gái. Với người vợ nhặt, ngay cả một bữa cơm nhỏ để gia đình chúc mừng nhau cũng không thể có huống hồ nói gì đến đám cưới. Để rồi, trong bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng, cổ họng chị nghẹn ứ lại. Chị nghẹn ngào vì bát cháo cám hay vì nỗi tủi thân của một cô dâu mới, hay chị xót xa cho phận mình? Nhưng có vì thế mà thị trở thành người đàn bà chao chát, chỏng lỏn, buông xuôi cho số phận. Không – thị cư xử rất ý tứ, rất đúng mực “từ cái ngồm mớm ở mép giường”, việc nén tiếng thở dài trong lồng ngực đến chuyện lễ phép chào hỏi mẹ chồng, và cố điềm nhiên ăn hết bát cháo cám khi mẹ chồng trao cho. Hơn thế nữa, thị rất ý thức được trách nhiệm làm dâu con của mình. Thị cùng mẹ chồng dọn dẹp, quét tước vườn tược sạch sẽ, gánh nước đổ đầy ang, hẳn với hy vọng “thu xếp nhà cửa cho quang quẻ, nền nếp thì cuộc đời của họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn”.

Cả Mị, A Phủ, vợ chồng Tràng đều bị sự chèn ép của cái đói nghèo, của thực tại đen tối hiện thời của đất nước. Trong hoàn cảnh ấy, họ muốn chết cũng không thể. Nhưng họ vẫn vươn lên, sức sống mãnh liệt vẫn tiềm tàng trong họ, chỉ chờ một cái cớ là bùng lên. Như Mị, vì muốn giữ phẩm giá, muốn được sống một cuộc sống đúng nghĩa, được tự do nên chị đã định ăn lá ngón tự vẫn. Nhưng rồi, chị lại nghĩ đến cha già – vì chị có chết món nợ oan nghiệt kia cũng không chết theo chị – nên chị phải sống. Và những chuỗi ngày như một lặp lại nhau đã khiến chị trở thành vô cảm, lầm lũi như một con rùa trong xó cửa. Nhưng thẳm sâu trong tâm hồn, chị vẫn khát khao mãnh liệt được sống cuộc sống tự do, được sống là chính mình. Mùa xuân đến, mang theo sức sống đến cho tâm hồn chị. Niềm khát khao trong chị được dịp trỗi dậy – chị muốn đi chơi, muốn được thoát ra khỏi cái nhà tù đang đày đọa chị nhưng nào có được. Mặc dù vậy, khát khao bị vùi dập đã không mất đi mà đằm sâu hơn trong lòng chị. Để rồi, khi nhìn thấy hai dòng nước mắt bò ra từ hõm má đã xém đen lại của A Phủ, chị lại trào lên lòng thương mình, thương người. Hành động cởi trói cho A Phủ cũng chính là hành động chị cởi trói cuộc đời mình. Sức sống của chị lúc đó lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Chị đã dám vứt bỏ mọi cái để tìm đến cuộc sống mới.

dua ra nhan xet ve tac pham vo chong a phu va vo nhat 33

Vợ chồng Tràng cũng thế, dù hoàn cảnh thực tại vô cùng đen tối nhưng họ vẫn tin vào ngày mai, tin vào tương lai tươi sáng. Vì thế họ tìm đến với nhau, nương tựa vào nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn. Giữa cảnh đói quay đói quắt ấy, trong đầu óc Tràng vẫn “hiện lên ngọn cờ đỏ sao vàng…”. Sức sống mạnh mẽ ấy không chỉ ở Mị, A Phủ, vợ chồng Tràng mà nó đã trở thành sức mạnh bất diệt của mỗi con người Việt Nam. Như bà cụ Tứ – mẹ Tràng, bà vẫn tưởng tượng ra ngày mai, cái gia đình bé nhỏ của cụ sẽ sung túc hơn. Bà cụ vẫn lo lắng, tin tưởng sắp đặt cho một cuộc sống tươi đẹp phía trước. Trong cảnh ngộ bi đát, con người vẫn không chịu buông xuôi, khuất phục số phận mà luôn vươn tới sự sống cao đẹp, hướng tới tương lai và trong sự cưu mang của tình người, phẩm giá con người đã sống dậy.

Cả Tô Hoài và Kim Lân đều tin vào bản chất Người của con người và tin vào tương lai tươi sáng của đất nước, của cách mạng. Tác phẩm của Tô Hoài khép lại bằng cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống tốt đẹp cho những người bị áp bức. Mị và A Phủ trong hành động nắm tay nhau lao chạy trong đêm tối đã ngầm ẩn một con đường, một tương lai hé rạng cho hai người. Con đường cách mạng đã hé mở. (Về sau, Mị và A Phủ sau khi trốn khỏi Hồng Ngài, đến Phiềng Sa thì lại rơi vào tay giặc, bị hành hạ, đánh đập. Nhưng ngọn lửa căm thù quân giặc tàn bạo, bọn phong kiến tham lam, tàn ác lại bùng cháy mạnh mẽ hơn trong lòng họ. Đến khi được A Châu giác ngộ, Mị và A Phủ không những làm rẫy, làm lán bí mật mà còn tham gia trực tiếp vào công cuộc cách mạng. Mị và A Phủ đã dũng cảm, hiên ngang cầm súng đứng lên giữ đường cho bộ đội, góp phần đánh đổ chế độ phong kiến và thực dân Pháp xâm lược).

dua ra nhan xet ve tac pham vo chong a phu va vo nhat 1

Còn trong Vợ nhặt của Kim Lân, dù cả gia đình đang trong tâm trạng “một nỗi tủi hờn len vào tâm trí mọi người”, khi “miếng cám đắng chát và nghẹn ứ trong cổ” thì nghe tiếng trống thúc sưu nổi lên nhưng họ vẫn tin vào ngày mai tươi sáng. Bởi người vợ nhặt kết thúc bữa ăn với câu chuyện “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy”. Và trong đầu óc Tràng, khi kết thúc câu chuyện “vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới…”.

Kết luận: Đưa ra nhận xét về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và “Vợ nhặt”

Vợ nhặt Vợ chồng A Phủ đã để lại trong lòng người đọc vẻ đẹp của lòng nhân đạo. Đó là những áng văn ngợi ca con người một cách sâu sắc và thấm đẫm tấm lòng nhân hậu của các tác giả. Cùng ra đời sau Cách mạng tháng Tám, cùng viết về số phận những con người Việt Nam trong hoàn cảnh đất nước đang rên xiết dưới gót giày của quân xâm lược, nhưng mỗi tác phẩm lại mang một vẻ đẹp riêng, sắc thái riêng hòa trong cái chung của số phận con người Việt Nam.

 

 

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *