Giá trị nghệ thuật của “Những đứa con trong gia đình”

Đề bài: Đặc sắc nghệ thuật trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi.

Mở bài: Giá trị nghệ thuật của “Những đứa con trong gia đình”

Nguyễn Thi là nhà văn tiêu biểu của văn học cách mạng Việt Nam với một số tác phẩm: Người mẹ cầm súng, Mẹ vắng nhà… Những trang văn ấy đã tạo nên vị trí không ai có thể thay thế Nguyễn Thi trong nền văn học dân tộc: nhà văn của Nam Bộ. Những đứa con trong gia đình là tác phẩm thành công của ông viết về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của một gia đình cách mạng. Đọc tác phẩm người đọc nhận thấy rõ sắc nghệ thuật trong cách biểu hiện chủ đề tư tưởng của nhà văn Nguyễn Thi.

Thân bài: Giá trị nghệ thuật của “Những đứa con trong gia đình”

Tác phẩm văn học được tạo nên bởi hai yếu tố nội dung và nghệ thuật. Cho nên nghệ thuật là yếu tố đầu tiên tạo ấn tượng đối với người đọc. Nhờ nghệ thuật mà chủ đề tư tưởng của tác phẩm được bộc lộ rõ nét. Hơn nữa, sử dụng sáng tạo các phương thức nghệ thuật là thước đo tài năng của nghệ sĩ. Những đứa con trong gia đình là một truyện ngắn như vậy. Tác phẩm được rút trong tập “truyện và kí”, rất tiêu biểu cho phong cách của Nguyễn Thi. Tác phẩm hấp dẫn người đọc ở việc nhà văn sáng tạo nên tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật trần thuật độc đáo và thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật.

Trước hết, đặc sắc nghệ thuật của Những đứa con trong gia đình đã thể hiện ở tình huống truyện độc đáo. Tình huống truyện là một lát cắt của hoàn cảnh hay nói như một nhà nghiên cứu: Đó là “thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật”. Qua tình huống truyện, người đọc hiểu rõ hơn về tính cách, tâm trạng của nhân vật. Mọi vấn đề của tác phẩm đều được nhà văn tổ chức xoay quanh tình huống truyện. Những đứa con trong gia đình đã sáng tạo nên tình huống truyện độc đáo, anh tân binh Việt bị thương nặng, lạc đồng đội phải nằm lại chiến trường lạnh lẽo. Việt liên tục ngất đi rồi tỉnh lại. Câu chuyện gia đình Việt được miêu tả qua dòng hồi tưởng của Việt. Chính vì vậy, tình huống truyện độc đáo là cơ sở để nhà văn Nguyễn Thi thành công trong nghệ thuật trần thuật.

trong Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi đã xây dựng được nghệ thuật trần thuật đặc sắc. Quan điểm trần thuật hay còn gọi là điểm nhìn trần thuật trong văn học rất phong phú. Ở truyện ngắn này, Nguyễn Thi đã lựa chọn điểm nhìn trần thuật từ nhân vật Việt. Qua dòng hồi tưởng của anh, các thành viên trong gia đình lần lượt xuất hiện rất tự nhiên. Cách lựa chọn điểm nhìn này khiến cho tác phẩm mang màu sắc trữ tình đậm nét. Đồng thời giúp nhà văn nhập thân dễ dàng vào nhân vật. Cùng viết về một đề tài quen thuộc nhưng Những đứa con trong gia đình vẫn hấp dẫn người đọc bởi truyện được kể theo dòng hồi tưởng của nhân vật. Trong lần tỉnh dậy thứ hai, Việt thấy mưa lất phất và nghe tiếng ếch nhái. Những âm thanh đó đã tác động đến Việt nhớ đến chuyện ngày xưa khi hai chị em đi bắt ếch. Cho nên chị Chiến xuất hiện và rồi đến chú Năm lại hiện lên trong tâm trí của Việt. Rồi Việt lại ngất đi. Nguyễn Thi đã rất tài năng khi cho nhân vật tỉnh dậy lần thứ ba. Việt nghe tiếng trực thăng phành phạch, tiếng súng, tiếng chim cu và ngửi thấy màu nắng. Trong những lần tỉnh dậy, Việt không nhìn thấy mà chỉ nghe thấy. Thị giác hoàn toàn không nhường chỗ cho thính giác. Điều đó hoàn toàn phù hợp với hiện thức bởi Việt đang bị thương ở hai mắt. Lần tỉnh dậy thứ ba, Việt nhớ tới chiếc ná thun và người má tần tảo, đảm đang mà bất khuất. Việt ngất đi và tỉnh lại nhiều lần đã tạo điều kiện để nhà văn mở rộng đối tượng miêu tả. Hơn nữa, điểm nhìn trần thuật từ Việt khiến cho mạch truyện trở nên linh hoạt, không bị phụ thuộc vào thời gian và không gian. Cách xáo trộn này khiến người đọc nhớ tới truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Nhà văn cũng tạo nên sự đảo lộn về thời gian và không gian, nhưng điểm độc đáo của Nguyễn Thi là ở chỗ đã đặt nhân vật vào tình huống bi thương, miên man suy nghĩ cho nên dòng hồi tưởng rất tự nhiên. Việt nhớ quá khứ, nhớ kỉ niệm thơ ấu nhưng sâu đậm hơn cả vẫn là người thân: má Việt, chú Năm, chị Chiến. Do hồi tưởng đứt quãng nhưng lại được nối bằng sợi dây truyền thống gia đình, đem lại cho tác phẩm ý nghĩa thiêng liêng, cắt nghĩa lí giải vì sao thế hệ Chiến – Việt lại cầm súng chiến đấu.

Không chỉ sáng tạo tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật trần thuật đặc sắc mà Những đứa con trong gia đình còn thể hiện ở nghệ thuật xây dựng nhân vật tài tình. Nhân vật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong tác phẩm tự sự. Nguyễn Thi đã xây dựng thành công chân dung một gia đình cách mạng. Họ đều là những con người có lòng căm thù giặc sâu sắc. Hơn nữa, thế hệ của gia đình ấy đều rất gan góc bất khuất. Không chỉ mang phẩm chất anh hùng thời xưa giống như con người trong Hòn Đất – Anh Đức, Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành mà họ còn rất nghĩa tình. Tuy nhiên, mỗi thành viên trong gia đình lại mang những tính cách riêng như lời chú Năm “Chuyện gia đình ta nó dài như sông để rồi chú sẽ chia cho mỗi đứa một khúc mà ghi vào đó”. Nhân vật chú Năm là con người của sông nước Nam Bộ. Chú chính là khúc thượng nguồn của dòng sông bao la. Sống ở hiện tại nhưng chú Năm luôn nghĩ về quá khứ, coi trọng quá khứ và tin tưởng vào tương lai. Chú rất muốn gắn bó với gia đình. Con người ấy luôn thắp sáng trong thế hệ sau ngọn lửa của truyền thống gia đình bằng những câu chuyện dài và những câu hò quen thuộc. Nhà văn không miêu tả câu hò của chú Năm, không khen nó hay và cũng không chê nó dở, mà chú ý đến ý nghĩa của câu hò. Đặc biệt, tìm hiểu nhân vật chú Năm, người đọc không thể quên cuốn sổ gia đình. Cuốn sổ ấy được viết bằng những nét chữ “lòng còng” nhưng rất tỉ mỉ, chi tiết. Mỗi nét chữ như chứa cả máu và nước mắt. Chú Năm giống như người thư kí trung thành của cuốn sổ biên niên, là người lưu giữ quá khứ cho nhân loại.

Trong Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi còn xây dựng thành  công nhân vật má Việt. Bà cũng là khúc thượng nguồn của dòng sông và mang dấu ấn riêng của Nguyễn Thi. Má Việt nữ tính nhưng không hề mềm yếu, má đảm đang tháo vát và thương chồng, thương con. Nếu như Anh Đức chủ yếu khắc học nhân vật của mình qua ngoại hình thì Nguyễn Thi chủ yếu khắc họa nhân vật qua thế giới nội tâm, thế giới tâm hồn phong phú. Má Việt tần tảo, đảm đang nhưng cũng rất gan góc, kiên cường. Đọc Những đứa con trong gia đình, người đọc không thể không ấn tượng trước những chi tiết “rùng rợn” mà Nguyễn Thi để miêu tả má Việt “Tay bồng con, tay cắp rổ đòi đầu chồng”. Má con đưa “ánh mắt sắc lạnh nhìn kẻ thù”, đối diện trực tiếp với kẻ thù. Cho nên má Việt là người phụ nữ tiêu biểu cho con người Việt Nam thời kì kháng chiến, vừa đảm đang, tần tảo, lam lũ vừa kiên cường, bất khuất. Má đã hi sinh trong một cuộc biểu tình. Má đã ngã xuống, đã trở về với cát bụi nhưng linh hồn má đã hòa vào núi sông, dân tộc, hòa vào cuộc sống gia đình, hòa vào cuộc kháng chiến và bất tử. Cho nên, đêm hôm trước khi tòng quân, chị em Chiến như thấy má ở đây đây, xuất hiện ngay trong căn buồng này. Má Việt chính là hiện thân của ý chí của sức mạnh gân guốc rắn rỏi.

Ngoài chú Năm, má Việt, Chiến và Việt mang đậm vẻ đẹp tâm hồn của con người nam Bộ, tiêu biểu cho thế hệ trẻ thời kì chống Mỹ. Chiến thừa hưởng từ mẹ, từ vóc dáng, ngoại hình, tính cách. Chiến đảm đang, tháo vát, chu tất mọi công việc gia đình. Sự đảm đang ấy đã được chú Năm khen ngợi “Việc nhà nó thu được gọn thì việc nước nó mở được rộng”. Trước khi đi tòng quân, Chiến lo cho thằng em út, cho căn nhà và cả bàn thờ má. Buổi sáng hôm sau, hai chị em khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm “Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho má, chừng nào nước nhà độc lập, con lại đưa má về”. Hôm ấy, Việt thấy “thương chị lạ”. Nếu như chị Chiến vô tư chỉ ầm ừ cho qua khi chị Chiến bàn về chuyện gia đình. Đi đánh giặc, Việt không sợ giặc nhưng lại sợ ma. Việt giấu chuyện mình có chị vì chỉ sợ mất chị. Những tính cách ấy chỉ có thể có ở một con người vô tư, hồn nhiên, yêu đời. Tuy nhiên, Việt là người thanh niên ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình. Chưa đủ tuổi nhưng Việt đã tranh nhau đi tòng quân với chị. Hơn nữa, Việt còn cố gắng đạt được thành tích “bắn cháy một chiếc xe bọc thép”. Khi bị thương, anh vẫn chủ động, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù. Lúc nào trên người Việt cũng mang theo khẩu súng. Chi tiết nghệ thuật ấy chứng tỏ Việt đã ý thức rất cao về trách nhiệm của mình với gia đình, với đất nước. Có thể nói Nguyễn Thi đã xây dựng thành công chân dung một gia đình cách mạng vừa mang những nét chung của thời đại, vừa mang những nét riêng, cá biệt của “con người này” (Hê – ghen).

Kết luận: Giá trị nghệ thuật của “Những đứa con trong gia đình”

gia tri nghe thuat cua nhung dua con trong gia dinh 4

truyện ngắn Những đứa con trong gia đình đã khẳng định tài năng của Nguyễn Thi trong nghệ thuật sáng tạo tình huống, nghệ thuật trần thuật và nghệ thuật xây dựng nhân vật. Qua hình thức nghệ thuật độc đáo, chủ đề của tác phẩm đã được bộc lộ rõ nét. Cùng viết về một đề tài quen thuộc, phản ánh cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc nhưng Nguyễn Thi không miêu tả sự đau thương ấy ở một tập thể anh hùng cách mạng mang tính cộng đồng như trong Rừng xà nu mà thông qua lăng kính gia đình, từ câu chuyện một gia đình để khái quát lên thành câu chuyện của đất nước. Đồng thời, truyện ngắn còn cho người đọc thấy được tâm hồn con người Nam Bộ – con người của phẩm chất anh hùng, con người của sự tình nghĩa. Tác phẩm khép lại mà người đọc không thể quên một giọng văn Nguyễn Thi, một cá tính Nguyễn Thi, một phong cách Nguyễn Thi – nhà văn của Nam Bộ.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *