
Đề bài: Hình tượng sông Đà trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân
NỘI DUNG TÓM TẮT
Mở bài: Hình tượng sông Đà trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà”
Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc
Xứ thiêng liêng, rừng núi đã anh hùng
(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)
Trên cuộc hành trình Tây Bắc – cội nguồn của văn học dân tộc – trong hành trang của các nhà văn, nhà thơ có hiết bao ý tưởng đẹp đẽ về vùng đất này. Xứ thiêng liêng, anh hùng được miêu tả và cảm nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Với Nguyễn Tuân, nhà văn, người nghệ sĩ tài hoa: Tây Bắc thật đẹp, nhưng gây ấn tượng là vẻ đẹp của con sông Đà. Vẻ đẹp ấy được khắc họa rõ nét trong tùy bút Người lái đò Sông Đà. Tác phẩm rút trong tập Sông Đà được Nguyễn Tuân sáng tác trong dịp đi thực tế ở Tây Bắc vào những năm 1959 – 1960.
Thân bài: Hình tượng sông Đà trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà”
Trong cảm tưởng của chúng ta, Tây Bắc với sông Đà thật xa xôi, nếu có hình dung được cũng chỉ thấy con sông Đà với những dòng chảy mạnh, hung dữ. Nhưng khi đã đọc Người lái đò sông Đà, cảm tưởng ấy không còn nữa, tâm hồn ta như bị cuốn theo dòng chảy, theo con thuyền của người lái đò vào, ra cửa sinh, cửa tử, trôi nhẹ bên bờ ngô xanh non… Sông Đà dưới ngòi bút tài hoa, giàu cá tính của Nguyễn Tuân đã thực sự trở thành một nhân vật sống, có mặt từ đầu đến cuối tác phẩm, góp phần to lớn trong việc tạo nên giá trị cho thiên tùy bút này. Là nhà văn thiên về miêu tả những cảm giác, những phong cảnh thiên nhiên dữ dội, gió bão, phong ba, đèo cao, dốc đứng… Nguyễn Tuân đã đưa những dòng cảm xúc lên đỉnh cao nhất, thật đẹp mà cũng thật dữ dội. Dường như bao cá tính của nhà văn thể hiện hết trong đó.
Nguyễn Tuân nhìn sự vật, nìn sông Đà bao giờ cũng ở hai khía cạnh, ông thiên về khía cạnh thẩm mĩ hơn là cái thực của nó. Với con mắt tài ba, tinh tế, với trí tưởng tượng phong phú, sông Đà không chỉ là con sông hung dữ và hùng vĩ mà còn rất đẹp, rất trữ tình. Những cảm giác dự dội sau khi được mặc sức tung hoành lại nhẹ ngàng nhường cho cảm giác dịu êm, khoan thai, bình lặng. Sông Đà trong mắt Nguyễn Tuân trước hết là trận hung dữ và hùng vĩ bởi thác ghềnh. Về mặt địa lí, sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc, dài gần đến chín trăm cây số, ”lượn rồng rắn” qua một vùng núi hiểm trở có độ dốc lớn. Bởi vậy, lưu vực của dòng sông này khó có dòng sông nào ở nước ta có thể địch nổi. Dĩ nhiên, với tư cách là một nhà văn, tuy có khảo cứu công phu để cung cấp cho người đọc vốn khiến thức phong phú về sông Đà, nhưng chủ yếu Nguyễn Tuân vẫn thiên về bình diện khai thác khía cạnh văn hóa, thẩm mĩ của con sông này.
Sông Đà là một nhân vật văn học, khi nói đến nhân vâkt này ta phải kể đến tính cách “hung bạo” của nó. Ai đã có một lần may mắn được xuôi trên dòng sông này chắc hẳn sẽ không thể nào quên được một cảm giác khi ngồi trên chiếc thuyền chứng kiến tính cách dữ dằn của Đà giang. Cái đáng sợ của sông Đà đâu chỉ ở những con thác trắng xóa, con thác bạc đầu mà còn ở quang cảnh hùng vì với vẻ hoang sơ, trùng điệp của núi rừng, sông nước Tây Bắc. Như một nhà quay phim lão luyện, Nguyễn Tuân vừa cho người đọc thấy được cái bao quát toàn cảnh sông Đà, vừa thỉnh thoảng cống hiến cho người đọc những phụ cận tiêu biểu của con sông hung dữ này. Đấy là cảnh “đá bờ sông dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt giời. Có chỗ vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một ci yết hầu”. Đó là những ghềnh thác, những hút nước “ghềnh Hát Loóng dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió”, ghềnh Tả Mường Vát có những cái hút nước giống cái giếng bê tông, nước thở và kêu như cửa sồng bị sặc, nước ằng ặc lên như rót dầu sôi vào… Nguyễn Tuân đã kết hợp, vận dụng các giác quan cùng thị giác làm một, “cuộc miêu tả”, cùng với những so sánh thật mới mẻ, cụ thể, bất ngờ… đã chụp lại được hình ảnh sông Đà hung dữ và hùng vĩ. Rõ ràng, những cách so sánh đó tạo ra được ấn tượng miêu tả hùng vĩ đúng như sự vốn có của nó, và nhất thời, con người bỗng dưng cảm thấy mình nhỏ bé trước sự rợn ngợp của thiên nhiên. Để diễn tả cái “hung bạo” của dòng sông, nhà văn đã sử dụng phối hợp nhiều thủ thật khác nhau. Nhằm tô đậm sóng gió dữ dội ở mặt ghềnh Hát Loóng, nhà văn đã dùng những câu văn có kết cấu trùng điệp, tạo nên nhịp điệu khẩn trương, gấp gáp, giống như sự chuyển vận của sóng to, gió lớn. Dòng chảy không chỉ bao hàm là nước chảy, trong đó còn có cả đá, gió cùng cuồn cuộn về xuôi “gùm ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua đây”.
Sông Đà có nhiều thác nước như bày sẵn thế trận, chặn đánh, tiêu diệt những người lái đò. Ở những nơi này, sông Đà được miêu tả như một bầy thủy quái vừa hung hăng, bạo ngược, vừa nham hiểm, xảo quyệt. Tiếng thác nước lúc thì khiêu khích, thách thức, chế nhạo, khi thì hò la, gầm thét “như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vàu, rừng tre nứa nổ lửa”. Mỗi hòn đá được nhà văn nhân hóa như những con quái vật “mai phục hết trong lòng sông” để “bày thạch trận”. “Nước thì reo hò ầm vang làm thành viện cho đá”, “sóng bọt đã trắng xóa cả một chân giời”. Nguyễn Tuân mô tả con thuyền vượt thác như vào trận quyết chiến với bầy thủy quái: nào nước, nào sóng, nào đá; chúng hỗ trợ cho nhau, tất cả đều táo tợn, hung dữ. Khi thì chúng ẩn nấp, mai phục, khi thì lừa miếng đánh du kích quay vòng tập hậu… Bằng sức tương tượng bay bổng, phong phú, bằng vốn từ vựng về quân sự, địa lí, thể thao… đã được chọn lọc, đa dạng, Nguyễn Tuân đã thành công trong việc diễn tả cuộc chiến đấu trong không khí trận mạc giữa con sóng hung bạo và người lái đò trên sông Đà. Đoạn văn của Nguyễn Tuân gợi cho người đọc liên tưởng đến cuộc chiến đấu giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh thời xa xưa.
Miêu tả những nét hung bạo ấy của sông Đà, nhà văn vừa dùng nghệ thuật chạm khắc, vừa so sánh liên tưởng từ thiên nhiên lớn lao đến cảnh sống gần gũi, từ nét tĩnh chuyển sang nét động, từ vật vô tri thành vóc dáng con người có tâm địa như “thần sông, thần đá”. Dường như khi cầm bút, nhà văn đặt tất cả sự rung động của trái tim, như chính mình đang đối mặt, trực tiếp sống nhữn giây phút căng thẳng, hồi hộp giữa dòng sông hùng vĩ mà hung bạo. Đồng thời, ông cũng muốn nhấn mạnh những thử thách ghê ghớm của thiên nhiên đối với con người.
Nhưng sông Đà đâu chỉ có hung bạo, đáng sợ mà còn mang nhiều vẻ đẹp trữ tình, thật đáng yêu. Qua bao nhiêu ghềnh thác, sông hung hãn lại trở nên hiền hòa, nước cháy êm đêm: “từ mạn Thác Bờ về xuôi, sông Đà chỉ còn lại cái vẻ dịu dàng như bất kì một dòng sông nào ở vùng đồng bằng”.
Miêu tả vẻ đẹp trữ tình của dòng sông, nhà văn thay đổi cách viết. Ông không tả hay kể theo lời kể của một người khác hoặc theo tưởng tượng của mình mà ông viết theo những cảm xúc tức thời trong tư thế của một du khách nhiều lần thưởng ngoạn, nhiều lần mộng mơ… giống như những văn nhân nghệ sĩ cổ kim “tức cảnh sinh tình”. Vốn văn hóa, vốn từ vựng của nhà văn cùng với sức tưởng tượng phong phú, bay bổng được mặc sức tung hoành, tạo nên những câu văn đầy gợi cảm, hết sức mượt mà. Mỗi đoạn văn là một lần nhà văn khác họa, phát hiện ra một vẻ đẹp của sông Đà.
Đó là lần nhà văn “có bay tạt ngang qua sông Đà”, từ trên cao nhìn xuống thấy con sông Đà “tuôi dài như một áng tóc trữ tình, đầu có chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Nhà văn thấy màu nước sông mùa xuân xanh màu ngọc bích, mùa thu lừ lừ chín đỏ mặt như người hầm đi vì rượu bữa… Màu nước sông Đà khác hẳn màu nước sông Lô, sông Gâm “xanh màu xanh canh hến”, cũng chưa bao giờ thấy nước sông màu đen như thực dân Pháp gọi bằng một cái tên Tây láo lếu”. Phải chăng đó là nét đẹp thứ nhất – sông Đà như một mĩ nhân duyên dáng, hiền hòa, đầy xuân sắc? Sự so sánh, sự quan rát của Nguyễn Tuân chứng tỏ nhà văn đi nhiều, biết nhiều, càng khẳng định sông Đà là con sông đẹp, hết sức trữ tình.
Lần khác, sau một chuyến đi rừng dài, thấy thêm chỗ thoáng, nhà văn “bám gót anh liên lạc… xuống một cái dốc núi” tới bờ sông. Ông đã “nhìn sông Đà như một cố nhân”, và ghi nhớ mãi ấn tượng bất chợt gặp lại dòng sông ấy. Mặt nước loang loáng, như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình. Rồi cái màu loang loáng đó bỗng léo lên “như màu nắng tháng ba Đường thi, Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Để tôn thêm tính cách trữ tình của dòng sông, nhà văn sử dụng nhiều hình ảnh trong sáng, gợi cảm và đầy chất thơ. Và qua mỗi câu văn, ta đều cảm nhận được tấm lòng trìu mến, hoan hỉ của tác giả với tạo vật: “bờ sông Đà, bãi sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên sông Đà…”. Nhịp điệu câu văn lúc hối hả, mau lẹ để diễn tả niềm sung sướng dâng trào trong long, lúc thì chậm rãi, như tãi ra để diễn tả cái vắng lặng rất nên thơ của cảnh vật bên bờ sông.
Nhưng có lẽ, sông Đà đẹp hơn cả, duyên dánh và xuân sắc hơn cả “thuyền tôi trên sông Đà… khác hẳn những con đò đuôi én thắt mình dây cổ điển trên dòng sông”. Tưởng như bao nhiêu thác ghềnh, giờ chỉ còn tồn tại trong trí nhớ. Thuyền được êm trôi và câu văn “thuyền tôi trôi trên sông Đà” cũng vì thế mà trở nên lâng lâng, không vướng víu một thanh trắc nào. Cái ý “lặng tờ” được nhắc lại mấy lần theo kiểu trùng điệp rất đặc thù của cảnh. “Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Lí, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”,nghĩa là không thể “lặng tờ” hơn được nữa. Cái đáng khâm phục ở ngòi bút Nguyễn Tuân là cảnh vật bao giờ cùng được miêu tả, cảm nhận trong cảm giác tuyệt đối. Thiên nhiên thật hài hòa mang vẻ trong trẻo và nguyên sơ, dành riêng cho con mắt nhìn “xanh non” của tác giả với những hình ảnh kì thù: “cỏ gianh đồi núi đang ra những ngọn búp, một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh ướt đẫm sương đêm”. Cảnh đẹp đã làm cho vị tình nhân của Đà giang hết sức xúc động. Ông thấy cần phải nói thêm nữa để diễn tả cho cùng kiệt đặc tính của đối tượng: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”.Những so sánh lạ lẫm mà chính xác ấy chỉ có được ở Nguyễn Tuân. Nhà văn đã đi ngược thói quen, đem giải thích một đặc tính vốn đã khá trừu tượng bằng những khái niệm trừu tượng hơn nữa, khiến cho cảm giác trực tiếp bỗng mở ra những liên tưởng trùng trùng bát ngát. Đi từ “hoang dại, hồn nhiên” là cái có thể cảm nhận được đến “tiền sử” và “nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”, câu văn đã cập bờ siêu cảm giác, ta như say, như mơ đi trong khung cảnh bờ sông đẹp đến mê người.
Người mơ, cảnh cũng mơ, và cái thời điểm “ông khách Sông Đà” nghe ra tiếng chú hươu gọi chính là đỉnh điểm của giấc mơ ban ngày để rồi sau đó như sực tỉnh bởi tiếng động của “đàn cá đầm anh quẫy vọt lên mặt sông; bung trắng như bạc rơi thoi…”. Bút pháp lấy cái động để tả cái tĩnh được vận dụng ở đây hết sức tinh tế, chính xác. Phút sực tỉnh của du khách cũng là giây phút nhà văn hiến dâng cho người đọc một hình ảnh, một cảm giác không thể nào quên. Cảnh tĩnh lặng đến mức chỉ nghe thấy tiếng cá quẫy cũng làm cho ta giật mình. Nhưng dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, cái tĩnh không đồng nghĩa với sự phẳng lặng, đơn điệu mà vẫn hàm chứa sự bất nhờ, biến hóa. Theo con thuyền thả trôi, điểm nhìn của nhà văn liên tục di động, có vẻ như ông muốn học tập cách nhìn của “con hươu thơ ngây”, “vểnh tai”, “nhìn không chớp mắt”. Những sự vật như thể hiện lên từ thế giới cổ tích, sau đó nhà văn truyền bỡ ngỡ cho người đọc qua những từ dùng độc đáo, sáng tạo, kích thích mạnh giác quan và vốn ngôn ngữ của chúng ta. Có cảm giác là cảnh vật vào được cây đũa thần của nhà văn động đến đều cựa quậy, sống dậy bằng một sức sống hết sức nên thơ, tươi mát.
Có thể nói, con sông Đà thực sự trở thành một mĩ nhân mang trong mình bao nhiêu xuân sắc. Nguyễn Tuân là người hết sức nặng lòng với non sông đất nước, nên trong khi thưởng ngoạn vẻ đẹp thơ mộng của con sông Đà, trong ông đã liên tưởng ra bao mốc lịch sử, dậy lên cảm giác hàm ơn sâu sắc với cổ nhân.
Nhưng trước vè “hoang dại” của sông Đà, nhà văn cũng có những suy nghĩ mang tính tích cực của người công dân mới, mong muốn cuộc sống hiện đại tỏa ánh sáng lên cả chốn sơn cùng thủy tận. “Tiếng còi sương”, xuất hiện ngân xa như một khát vọng, nó hài hóa với cảm hứng lịch sử, tạo cho dòng soonh, cảnh vật có nét cổ kính, lại hết sức hiện đại. Nhà văn như trải lòng mình ra với lòng sông, hóa thân vào nó để lắng nghe xúc động: “dòng sông quãng này lững lờ như nhớ thương những hòn đá thác xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc”.
Kết luận: Hình tượng sông Đà trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà”
Qua mỗi dặm đường đất nước, nhà văn đều thấy cảnh đẹp và con người gắn bó, hòa quyện chặt chẽ với nhau. Nhà văn miêu tả con sông Đà đẹp, cũng là thể hiện tình yêu thiên nhiên Tổ quốc và yêu con người Việt Nam – những dòng thời gian của trăm vẻ đẹp từng làm đắm đuối lòng ta trên trăm sáng sông xuôi.Hai đặc điểm “hung bạo” và “trữ tình” của sông Đà vừa tồn tại độc lập, tạo nên tính cách đặc thù của con sông, lại vừa kết hợp chặt chẽ với nhau, phản ánh chân thực hình cảnh con sông này. Hai đặc điểm đó còn có tác dụng làm nền để tác giả khắc học tiếp hình ảnh của người lái đò sông Đà. Một con sông thực với bao nhiêu thác ghềnh hung dữ, một con sông thơ với bao nhiêu xuân sắc ngọt ngào còn chảy mãi trong dòng cảm xúc của mỗi chúng ta, trào dâng lên đầu ngọt bút, để ta cất tiếng ngợi ca – sông Đà…