Bạn đang thắc mắc không biết KT3 là gì? Bạn đã di chuyển đến một thành phố khác quê hương của bạn để sinh sống và làm việc? Bạn muốn đăng ký thủ tục tạm trú ở nơi đó nên muốn tìm hiểu về KT3? 

Đối với các thủ tục hành chính, Bên cạnh sổ hộ khẩu (KT1) – giấy tờ có giá trị xác nhận nơi thường trú của công dân thì tại Việt Nam còn có các loại sổ tạm trú khác nhau có tên như KT2, KT3, KT4 – chứng nhận nơi sinh sống hiện tại khác với nơi đã đăng ký thường trú. 

Trong bài viết này, Totvadep.com sẽ cùng bạn tìm hiểu thông tin mới nhất về KT3 là gì? Những thủ tục cần thiết để đăng ký làm sổ tạm trú KT3 là gì? Sự khác biệt giữa KT2, KT3, KT4 cũng sẽ được trình bày cụ thể bên dưới. Tất cả những điều một công dân cần biết về KT3 sẽ có trong bài viết này, mời bạn tham khảo ngay nhé. 

1. KT3 là gì?

Trả lời nhanh:

KT3 là một loại sổ tạm trú dài hạn của một công dân ở một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung ương nào đó mà khác với nơi đăng ký thường trú của công dân này.

Hay nói cách khác, sổ tạm trú KT3 là một loại sổ tạm trú dài hạn (nhưng không phải vô thời hạn) của công dân tại một địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác), không phải nơi cá nhân đã đăng ký thường trú trước đó.

sổ KT3 là gì?

Hình ảnh Sổ tạm trú (Nguồn: Internet)

Giả sử: Bạn sinh ra ở Vĩnh Long và địa chỉ của bạn trong sổ hộ khẩu thường trú cũng ở tỉnh Vĩnh Long. Nhưng vì nhu cầu của bản thân, bạn cần chuyển qua Thành phố Cần Thơ để học tập và làm việc dài hạn. Trong trường hợp này, bạn có thể sẽ cần phải xin cấp sổ tạm trú KT3 tại thành phố Cần Thơ để đảm bảo các quyền lợi công dân của mình.

KT3 được cấp cho cá nhân/ hộ gia đình để xác định nơi ở tạm thời của công dân đó, đồng thời giúp cơ quan chức năng kiểm soát tình trạng cư trú của một địa điểm dân cư.

2. Thời hạn của sổ thường trú KT3 là bao lâu?

Với tên Sổ đăng ký tạm trú dài hạn diện KT3, nhiều người thắc mắc vậy dài hạn là vô thời hạn hay bao lâu? Thực tế, sổ KT3 chỉ có thời hạn tối đa 24 tháng kể từ ngày được cấp. Sau thời gian đó, tùy vào nhu cầu mà bạn có thể xin gia hạn hoặc cấp lại sổ để tiếp tục cư trú hợp pháp và nhận quyền lợi công dân tại địa phương.

Khi công dân đã có đăng ký thường trú tại 1 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương (nơi đăng ký hộ khẩu) nhưng có thêm đăng ký tạm trú dài hạn tại 1 tỉnh/thành phố khác (tức KT3) thì công dân đó hoàn toàn được hưởng những quyền và lợi ích như một công dân thường trú tại nơi đăng ký KT3.

Trở lại ví dụ: Giả sử bạn có sổ hộ khẩu (KT1) tại Vĩnh Long. Nhưng bạn có thêm sổ tạm trú dài hạn (KT3) tại Thành phố Cần Thơ. Điều này có nghĩa là bạn hoàn toàn có những quyền lợi như một công dân Thành phố Cần Thơ.

3. Điều kiện đăng ký tạm trú KT3 là gì?

Nếu muốn đăng ký tạm trú dài hạn diện KT3, trước tên bạn cần có những điều kiện sau: 

  • Có giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân)
  • Đã đăng ký thường trú tại 1 tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương nhưng hiện nay sinh sống tại một địa phương khác
  • Đã sinh sống tại nơi cần đăng ký tạm trú KT3 ít nhất 30 ngày
  • Sở hữu nhà ở hoặc đã mua đất đai tại tỉnh/thành phố cần đăng ký tạm trú KT3
  • Trường hợp thuê/mượn nhà hoặc ở nhờ nhà người khác, phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ nhà để đăng ký tạm trú KT3

4. Những quyền lợi bạn có khi sử hữu sổ tạm trú KT3 là gì?

Đăng ký tạm trú KT3 là nghĩa vụ của công dân khi sinh sống tại các địa phương khác nơi thường trú. Đồng thời, sở hữu sổ tạm trú KT3 cũng là điều kiện cần để bạn có thể dễ dàng thực hiện được các công việc như:

  • Hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sử dụng nhà ở tại địa phương đang tạm trú
  • Đăng ký mới/ sang tên phương tiện giao thông (xe máy, ô tô, v.v.)
  • Mua bán/ sang tên/ cho thuê nhà ở, bất động sản tại nơi đang tạm trú
  • Vay vốn tín chấp tại các ngân hàng/ công ty tài chính
  • Thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại nơi đang tạm trú
  • Đăng ký sử dụng Internet, cáp, điện nước, v.v.
  • Hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đăng ký nhập học, bằng lái xe, bảo hiểm, v.v.

5. Hồ sơ đăng ký tạm trú KT3

Một bộ hồ sơ đăng ký tạm trú diện KT3 cần có đủ những giấy tờ, văn bản sau. Vì số lượng giấy tờ khá ít nên bạn chủ động chuẩn bị kỹ để có thể tiết kiệm thời gian nộp hồ sơ, tránh điều chỉnh không cần thiết.

Sổ tạm trú KT3

Hồ sơ đăng ký Sổ tạm trú (Nguồn ảnh: Internet)

  • 01 tờ khai nhân khẩu (theo mẫu HK01)
  • 01 phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (theo mẫu HK02)
  • Chứng minh nhân dân/ thẻ căn cước công dân (xuất trình bản gốc và nộp 01 bản sao)
  • Giấy tờ chứng minh chỗ ở tại nơi đăng ký KT3 (giấy tờ mua bán nhà, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà/ sử dụng đất, v.v.). Nếu người đăng ký đang thuê/ mượn nhà hoặc ở nhờ, trên phiếu báo thay đổi hộ khẩu/ nhân khẩu, chủ nhà phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho người đó đăng ký tạm trú, ghi ngày tháng năm và ký tên.

6. Thủ tục đăng ký tạm trú KT3

Sau khi đã chuẩn bị đủ các giấy tờ cần thiết nêu trên, bạn mang hồ sơ tới cơ quan công an phường, xã nơi tạm trú để nộp hồ sơ và yêu cầu cấp sổ KT3.

Trong thời hạn 3 ngày kể từ khi nhận đầy đủ giấy tờ, Trưởng công an phường, xã sẽ có trách nhiệm cấp sổ tạm trú KT3 cho công dân theo quy định.

Phân biệt Kt1 và KT3

HÌnh ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Nếu bạn đã được cấp sổ tạm trú nhưng sau đó không sinh sống, làm việc tại nơi đã đăng ký tạm trú từ 6 tháng trở lên thì sổ tạm trú KT3 của bạn sẽ mất giá trị và bạn sẽ bị xóa tên trong sổ đăng ký tạm trú của cơ quan Công an địa phương.

Trong vòng 30 ngày trước khi sổ KT3 hết thời hạn, nếu bạn vẫn có ý định sinh sống tại địa phương đó, bạn phải tới cơ quan Công an đã cấp sổ cho mình để làm thủ tục gia hạn. Nếu sổ đã hết hạn hoặc bị mất có thể xin cấp lại, nếu sổ bị hư hỏng sẽ được đổi sổ mới.

7. Sự khác biệt giữa KT1, KT2, KT3, KT4 là gì?

Mỗi loại sổ Hộ khẩu sẽ phù hợp với từng nhóm công dân khác nhau. Việc phân biệt chính xác và rõ ràng các loại sổ KT1, KT2, KT3, KT4 sẽ giúp bạn hiểu và bảo vệ được quyền lợi công dân của mình.

phân biệt các loại sổ với KT3

Hình ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Totvadep.com sẽ giúp bạn phân biệt đơn giản thông qua bảng sau: 

KT1 Sổ hộ khẩu thường trú của công dân. Dành cho những đối tượng sinh ra và lớn lên tại các thành phố trực thuộc Trung Ương, lấy vợ/ chồng hoặc đủ thời hạn sinh sống để có thể được cấp loại sổ này.
KT2 Sổ tạm trú dài hạn dành cho những người có hộ khẩu thường trú trong phạm vi tỉnh, huyện trực thuộc Trung ương như huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ,…
KT3 Sổ tạm trú dài hạn ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi đăng ký thường trú.
KT4 Sổ tạm trú ngắn hạn ở một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi đăng ký thường trú.


Ví dụ: Bạn được sinh ra, lớn lên và có sổ hộ khẩu (KT1) tại tỉnh An Giang. Họ tên hồ sơ của bạn cũng đã có mặt tại An Giang. Nhưng hiện nay bạn đang sinh sống và làm việc dài hạn tại thành phố Hồ Chí Minh thì sổ hộ khẩu trên thành phố Hồ Chí Minh của bạn được gọi là KT3.

So với sổ tạm trú ngắn hạn KT4, KT3 công dân có thời hạn cư trú lâu hơn. Bên cạnh đó, trong thời hạn 24 tháng cư trú, bạn được hưởng các quyền lợi như người dân địa phương bao gồm đăng ký nhập học cho con cái từ THPT trở xuống, đăng ký bằng lái xe, đủ điều kiện mua nhà trên thành phố,…

Kết luận

Bài viết này, Totvadep.com đã cùng bạn tìm hiểu về KT3 là gì? Bên cạnh đó là những thông tin cần thiết liên quan về thủ tục, hồ sơ, điều kiện đăng ký mới nhất năm 2020. Bạn có thể tham khảo nếu cần đăng ký thường trú dài hạn tại một Thành phố nào đó.

Việc nắm rõ và phân biệt chính xác các loại sổ KT1, KT2, KT3 và KT4 sẽ giúp bạn rất nhiều khi đăng ký các thủ tục hành chính. Chúng tôi hy vọng những thông tin trên hữu ích với bạn. Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã dành thời gian theo dõi bài viết. Chúc bạn thành công.

>>> Xem thêm: MSDS là gì? Tại sao an ninh hàng không luôn yêu cầu MSDS ? tại đây

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here