
ĐỀ bài: Cái quyết định tạo nên sức hấp dẫn của một tác phẩm văn học không phải ở đề tài. Vấn đề quan trọng là nhà văn phải có cái nhìn riêng, độc đáo về đề tài đó. Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ Nói với con của Y Phương.
I. MỞ BÀI
– Để một tác phẩm văn học trở nên hấp dẫn đối với bạn đọc, cần có nhiều yếu tố. Cái nhìn riêng, độc đáo, cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tạo nên thành công của một tác phẩm.
– Bàn về vấn đề này có ý kiến cho rằng: Cái quyết định tạo nên sức hấp dẫn của một tác phẩm văn học không phải ở đề tài. Vấn đề quan trọng là nhà văn phải có cái nhìn riêng, độc đáo về đề tài đó.
– Bài thơ Nói với con của Y Phương là một minh chứng tiêu biểu, góp phần làm sáng tỏ nhận định trên.
II. THÂN BÀI
NỘI DUNG TÓM TẮT
1. Giải thích ý kiến
– Đề tài: là hiện tượng, phạm vi đời sống được thể hiện trong tác phẩm văn học, trả lời câu hỏi tác phẩm viết về cái gì.
– Cái nhìn riêng, độc đáo: có thể hiểu là cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Ý kiến khẳng định vai trò, tầm quan trọng của cá tính sáng tạo trong sáng tác văn học. Đó là vấn đề then chốt, quyết định sức hấp dẫn và làm nên sức sống của một tác phẩm.
2. Bàn luận Khẳng định tính đúng dắn của ý kiến. Bởi lẽ:
- Bất kì một tác phẩm văn học viết nào cũng do một tác giả sáng tác và ít nhiều để lại dấu ấn, cá tính của người sáng tạo. Song chỉ có các tài năng lớn mới tạo ra những nét nghệ thuật độc đáo, có ý nghĩa lớn, thể hiện trong hình tượng, chi tiết, cách nhìn, giọng điệu riêng…
- Cá tính sáng tạo của tác giả làm cho các tác phẩm dù viết về đề tài nào, dù đó là đề tài rất quen thuộc, cũng trở nên mới mẻ, không lặp lại những lối đi cũ.
- Văn học là lĩnh vực của cái độc đáo, văn học không có gì riêng sẽ không là gì cả. Văn học không chấp nhận sự dập khuôn, sáo mòn trong sáng tác. Thiếu cá tính sáng tạo, các tác phẩm văn học sẽ hao hao giống nhau, đơn điệu, nhàm chán. Mỗi văn bản văn học có cá tính sáng tạo sẽ là một tiếng nói riêng mới lạ, hấp dẫn và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức phong phú, đa dạng của người đọc.
3. Chứng minh qua bài thơ Nói với con của Y Phương
* Bài thơ Nói với con của Y Phương là một tác phẩm tiêu biểu của thi ca viết về tình cảm gia đình, tình yêu con cái, mong ước thế hệ đi sau nối tiếp thế hệ đi trước ở niềm tự hào về truyền thống quê hương và ý thức xây dựng quê hương phát triển, giàu đẹp. Tình yêu con cái vốn là một đề tài quen thuộc trong văn học hiện đại Việt Nam, được nói đến trong nhiều thi phẩm: Con cò của Chế Lan Viên, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm…
* Cùng viết chung đề tài với nhiều tác phẩm, nhưng Nói với con của Y Phương vẫn có những nét riêng biệt, độc đáo trong cả nội dung và hình thức nghệ thuật:
– Nét riêng về nội dung:
- Bài thơ được viết năm 1980, khi con gái đầu lòng của nhà thơ tròn một tuổi. Nó là tiếng nói của tình phụ tử, là tiếng lòng của người cha yêu con đầy mới mẻ, lôi cuốn khi đặt bên cạnh vô số những bài thơ viết về tình mẫu tử. Bởi dường như đặc tính Ba thương con nhưng ba không nói/ Mẹ yêu con mẹ không giấu một lời đã trở thành một lẽ tất yếu trong cuộc sống cũng như trong thơ ca.
- Người cha không chỉ thể hiện tình yêu con mà còn mượn lời nói với con để tái hiện truyền thống quê hương qua hình tượng người đồng mình, trở thành chiếc cầu nối giữa truyền thống quê hương với con, mong muốn con tiếp nối các giá trị truyền thống tốt đẹp ấy. Nói với con cũng là lời tự hứa với chính mình về sự thủy chung, ân nghĩa với quê hương.
- Ra đời vào những năm 80 của thế kỉ XX, khi mà cả xã hội chuyển mình từ nhịp sống thời chiến sang thời bình, nhiều thang giá trị về văn hóa có những thay đổi, bài thơ còn đặt ra những vấn đề mang tầm thời đại
– Ý thức bảo tồn, bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống mà cuộc sống hiện đại dễ làm cho nó mai một.
– Nét riêng về nghệ thuật:
- Bài thơ được viết dưới hình thức người cha tâm tình, dặn dò con. Tác giả đã tạo cho thi phẩm một giọng điệu thiết tha, trìu mến, ấm áp yêu thương.
- Cảm xúc của bài thơ được thể hiện qua cách gọi, cách nói giản dị, mộc mạc, đặc trưng của người dân tộc miền núi nghe thật gần gũi, thân thương.
- Sử dụng nhiều lời gọi mang ngữ điệu cảm thán, kết hợp các điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc, các câu dài ngắn đan xen hợp lí.
- Nhà thơ lựa chọn được những hình ảnh độc đáo, gợi tả, gợi cảm, mang đậm sắc thái miền núi: vách nhà, rừng , thung, sương, suối, thác, ghềnh… (Lưu ý: Khi phân tích học sinh có thể liên hệ, so sánh với một số tác phẩm khác cùng đề tài để thấy được điểm chung, điểm riêng biệt trong sáng tác của Y Phương).
4. Đánh giá
- Cái nhìn độc đáo, cái nhìn riêng của mỗi nhà thơ khi viết về một đề tài quen thuộc là bản chất của nghệ thuật đích thực, là yêu cầu nghiệt ngã của sáng tạo văn chương mà chỉ những tài năng chân chính mới đủ sức vượt qua.
- Bạn đọc khi đến với tác phẩm cần có những cảm nhận tinh tế, khám phá được dấu ấn riêng của người cầm bút để từ đó có thể đánh giá về những đóng góp của tác phẩm.
- Những cảm nhận mới mẻ của Y Phương đã góp phần tạo nên sức hấp đẫn và sức sống của tác phẩm Nói với con trong lòng bạn đọc bao thế hệ.
III. KẾT BÀI – Khẳng định lại vấn đề.
– Ý nghĩa của những sáng tạo mà Y Phương mang lại cho tác phẩm.