
ĐỀ bài: Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn từ thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói của văn nghệ, SGK Ngữ văn 9, tập 2 – NXB Giáo dục Việt Nam, tr 12). Em hiểu như thế nào về ý kiến trên? Bằng cảm nhận về truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê hãy làm sáng tỏ ý kiến.
I. MỞ BÀI
– Văn học là nhân học, bất kì tác phẩm văn học nào cũng là sự phản chiếu hiện thực đời sống. Và bao giờ cũng thế, nhà văn luôn muốn gửi gắm những tư tưởng, nét riêng biệt của mình qua mỗi sáng tác.
– Trích dẫn ý kiến của Nguyễn Đình Thi: Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn từ thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.
– Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê sẽ góp phần làm sáng tỏ nhận định trên.
1. Giải thích ý kiến + Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại: đặc trưng riêng của tác phẩm nghệ thuật trong phương thức phản ánh đời sống. Người nghệ sĩ nào khi sáng tác cũng lấy vật liệu mượn ở thực tại – hiện thực khách quan về cuộc sống, con người, xã hội, để xây dựng nên tác phẩm của mình.
+ Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ: tác phầm không chỉ phản ánh cuộc sống thực tại khách quan (ghi lại cái đã có rồi) mà còn là nơi bộc lộ những suy nghĩ chủ quan, những tâm tư tình cảm, tư tưởng của người nghệ sĩ, thể hiện những khám phá sáng tạo của người cầm bút. Ý kiến của Nguyễn Thi đề cập đến mối quan hệ giữa văn học và đời sống: Tác phẩm văn học lấy chất liệu ở thực tại đời sống khách quan nhưng không phải là sự sao chép giản đơn, chụp ảnh nguyên xi thực tại đấy mà cần có những sáng tạo. Bắt nguồn từ cuộc sống, bằng cách phản ánh cuộc sống, người nghệ sĩ bộc lộ cái mới mẻ trong sự khám phá, trong cách nhìn nhận riêng mình; qua đó góp tiếng nói của mình vào sự phát triển của văn học, của đời sống.
2. Chứng minh (qua tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê)
* Truyện khai thác đề tài chiến tranh, lấy hiện thực cuộc sống và chiến đấu của nữ thanh niên xung phong trong những năm kháng chiến chống Mĩ làm chất liệu phản ánh. Lựa chọn đề tài này, tác phẩm của Lê Minh Khuê có nhiều điểm gặp gỡ với các tác phẩm sáng tác cùng thời (Sáng tác của Phạm Tiến Duật, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Minh Châu…). Truyện kể về công việc và cuộc sống thường nhật của một tổ trinh sát mặt đường gồm ba cô gái thanh niên xung phong tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, có nhiều chi tiết, sự việc chân thực về bom đạn, chiến đấu hi sinh. Tác phẩm đã tái hiện được không khí dữ dội và ác liệt của chiến tranh. Qua đó, Lê Minh Khuê ca ngợi chủ nghĩa anh hùng và vẻ đẹp tâm hồn của thế hệ trẻ Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Đó là vẻ đẹp của lí tưởng cách mạng, là tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc, là niềm lạc quan, yêu cuộc sống thiết tha, sẵn sàng dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc.
* Những sáng tạo mới mẻ của Lê Minh Khuê:
– Nghệ thuật trần thuật: Truyện được trần thuật theo ngôi thứ nhất. Lựa chọn phương thức trần thuật này sẽ nhà văn thể hiện cách nhìn độc đáo về chiến tranh, đồng thời đi sâu vào khai thác diễn biến tâm lí nhân vật. Đây là điểm khác biệt so với nhiều tác phẩm cùng thời. Đa số các nhà văn trong thời kì chống Mĩ thường ít chú ý khai thác tâm lí nhân vật mà chủ yếu tập trung xây dựng những hành động anh hùng. Nhân vật Phương Định có một thế giới nội tâm trong sáng, phong phú. Nỗi buồn, niềm vui, nỗi nhớ và cả những suy tư của nhân vật được thể hiện một cách tự nhiên, sinh động, chân thực. Điểm nhìn trần thuật ngôi thứ nhất đã xóa nhà khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật khiến cho câu chuyện gần gũi bình dị và đời thường hơn. Cách trần thuật từ điểm nhìn ngôi thứ nhất cũng giúp cho nhân vật hiện lên tự nhiên với đầy đủ phẩm chất và đầy tính thuyết phục.
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: thể hiện được nét độc đáo trong phong cách truyện ngắn của Lê Minh Khuê. Giữa khói lửa chiến tranh, vẻ đẹp của con người vẫn tỏa sáng. Nho, Thao, Phương Định là ba trong hàng triệu thanh niên xung phong thời bấy giờ. Ở họ vừa có cái bình dị đời thường vừa rất anh hùng. Trong cuộc sống họ can trường bao nhiêu thì trong cuộc sống sinh hoạt họ hồn nhiên bấy nhiêu. Họ thích hát, thích vui đùa, thích nhai kẹo, thích làm điệu và đôi khi rất yếu đuối thấy máu, thấy vắt là nhắm mắt lại, mặt tái mét. Tác giả đã xây dựng ba hình tượng nhân vật với những nét chung và những nét tính cách riêng. Nhà văn cũng không lí tưởng hóa, bọc nhân vật trong bầu không khí vô trùng mà để họ hiện lên thật đáng yêu, nữ tính. Điều đáng chú ý nữa là nhà văn luôn đi sâu miêu tả đời sống nội tâm của nhân vật, nhất là ở nhân vật Phương Định.
– Điểm khác biệt và cũng là thành công của tác phẩm so với những truyện ngắn cùng đề tài là ở giọng điệu, ngôn ngữ: giọng văn sinh động, trẻ trung với lối diễn đạt tự nhiên đã lôi cuốn bạn đọc. Tác giả còn rất linh hoạt trong việc sử dụng các kiểu câu, thường sử dụng những câu văn ngắn, nhịp nhanh; đôi khi những câu văn được sắp xếp theo trật tự bất thường, nhiều khi lộn xộn, không theo mạch tư duy thông thường. Giọng văn tự nhiên, kết hợp với kĩ thuật trần thuật hiện đại đã làm nên vẻ đẹp riêng cho Những ngôi sao xa xôi.
3. Đánh giá
– Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nội dung có tính chất đặc trưng của tác phẩm văn nghệ nói chung, tác phẩm văn học nói riêng, gợi ý cho người đọc về phương pháp tiếp cận tác phẩm đúng đắn và sâu sắc. Đọc tác phẩm không chỉ đơn thuần là lĩnh hội giá trị của tác phẩm mà còn đồng cảm với nhà văn, trân trọng những sáng tạo hết mình của họ cho nghệ thuật.
– Để có một nội dung sâu sắc, hấp dẫn, nhà văn chẳng những phải có vốn sống phong phú, sự từng trải mà còn phải có tài năng nghệ thuật, và quan trọng nhất là tình cảm chân thành, tư tưởng đúng đắn.
– Những sáng tạo mới mẻ tạo nên thành công và sức hấp dẫn riêng của tác phẩm Những ngôi sao xa xôi. Viết về chiến tranh nhưng đậm chất lãng mạn, chất trữ tình ngọt ngào sâu lắng.
III. KẾT LUẬN
– Khẳng định lại vấn đề.
– Khái quát lại giá trị của tác phẩm.