Giấc ngủ quan trọng khi mang thai tháng thứ chín
Mang thai tháng thứ chín là lúc cơ thể thai phụ gần đạt tới thể trọng nặng nhất, rất dễ cảm thấy mệt mỏi, nên phải bảo đảm đủ thời gian nghỉ ngơi. Mỗi tối phải ngủ ít nhất tám đến chín tiếng, nếu có điều kiện, buổi trưa nên ngủ từ một đến hai tiếng, để thai phụ có trạng thái tinh thần viên mãn và thể lực dồi dào.
Nhưng nghỉ ngơi hoàn toàn không có nghĩa là cả ngày nằm tĩnh dưỡng hoặc ngồi một chỗ không vận động, hàng ngày ngoài nghỉ ngơi hợp lý ra còn cần có thời gian vận động nhất định.
Tư thế ngủ thường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, và đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cuối thai kỳ. Tư thế của thai phụ có mối quan hệ quan trọng đối với sự an toàn của bản thân thai phụ và thai nhi.
Mang thai tháng thứ chín không nên nằm ngửa thời gian dài để tránh tử cung ép lên tĩnh mạch chủ dưới, làm giảm lưu lượng máu về tim và lượng máu tim bơm ra, gây hạ huyết áp, làm thai phụ xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, tim đập nhanh, buồn nôn, nghẹt thở, sắc mặt nhợt nhạt, tay chân không có lực, ra mồ hôi lạnh… Sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Tư thế nằm nghiêng bên trái có thể điều chỉnh tử cung bị xoắn về bên phải, cải thiện tuần hoàn máu, gia tăng lượng máu cung cấp cho thai nhi, có lợi cho sự phát triển của thai nhi. Khi thức dậy, nếu bạn đang ở tư thế ngửa, đầu tiên nên nghiêng cơ thể sang một bên rồi co hai chân lên đồng thời chuyển động eo và hông, tiếp đó chầm chậm di chuyển ra mép giường, hai tay chống giường, hai chân tụt xuống đất, ngồi bên mép giường một lúc rồi mới đứng lên
Chồng cần làm gì khi vợ mang thai tháng thứ chín?
Vì thời kỳ mang thai tháng thứ chín này đã rất gần với thời kỳ dự sinh, do đó ngường chồng phải chuẩn bị đầy đủ cho việc lâm bồn. Người chồng nên đóng vai trò tích cực, sự tham gia và ủng hộ về tinh thần của chồng vô cùng quan trọng đối với thai phụ. Nếu cả hai vợ chồng đều chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và tâm lý thì sẽ càng có lòng tin, hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả hơn.
Đầu tiên vẫn phải quan tâm chăm sóc vợ về mặt tình cảm, phải xác định được số giường trong bệnh viện, thu xếp xong phương tiện giao thông đưa vợ vào viện, sắp xếp đầy đủ quần áo đồ dùng cho hai mẹ con, chuẩn bị viện phí. Người chồng còn, phải an ủi vợ về tư tưởng.
Những phụ nữ lần đầu làm mẹ vừa hồi hộp chờ đợi sự ra đời của con vừa vô cùng lo lắng và sợ hãi việc lâm bồn, lúc này người chồng cần trò chuyện với vợ để loại trừ cảm giác sợ hãi đó. Ngoài ra, người chồng cũng nên tham gia lớp học tiền sản, học một số phương pháp giảm căng thẳng tinh thần cho vợ, giúp vợ tập luyện phương pháp hỗ trợ lâm bồn và kĩ năng hô hấp.
Tóm lại, chỉ khi thực sự hiểu những thay đổi về tâm sinh lý do mang thai của vợ, người chồng mới có thể giúp đỡ vợ một cách có hiệu quả. Ngoài ra, khi mang thai tháng thứ chín phải chuẩn bị thật chu đáo các biện pháp ứng phó với những tình huống khẩn cấp phát sinh. Quan trọng nhất là chuẩn bị tốt về mặt kinh tế, phải để riêng ra một khoản tiền cho các loại chi phí dùng khi lâm bồn và chi phí bồi dưỡng sức khỏe cho vợ và con.