
Đề bài: Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn “Vợ nhặt” – Kim Lân
NỘI DUNG TÓM TẮT
Mở bài: Phân tích giá trị trong truyện ngắn “Vợ nhặt
Văn học Việt Nam sau 1945 không chỉ giàu tính chiến đấu mà còn giàu tính nhân đạo. Hai tính chất này không tách rời nhau vì cuộc chiến của dân tộc diễn ra hơn 30 năm nhằm mục đích thương người, người ta phải dấn thân vào chiến đấu. Vợ nhặt của Kim Lân được hoàn thành vào thời gian sau năm 1955 trên cơ sở một bản thảo cũ viết ngay sau Cách mạng tháng Tám. Khoảng cách 10 năm đã giúp ông thể nghiệm sâu sắc tư tưởng tác phẩm, làm cho nó trở thành một tác phẩm mang những giá trị hiện thực và nhân đạo hết sức sâu sắc và phong phú.
Thân bài: Phân tích giá trị trong truyện ngắn “Vợ nhặt
Nói về giá trị hiện thực của tác phẩm là nói về sự chân thực của sự phản ánh, giúp người đọc nhận thức đến mức nào bản chất khách quan của cuộc sống. Qua truyện ngắn, nhà văn phản ánh chân thực, sinh động tình cảnh khó khăn của nhân dân ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Nạn đói năm 1945 quả là khủng khiếp, không chỉ đói xóm, đói làng mà đói nửa nước. Kim Lân đã chọn bối cảnh ấy cho truyện Vợ nhặt. Dù không có nhiều dòng miêu tả trực tiếp nhưng là những dòng rất hiếm trong văn chương từ đó đến nay. Chỉ cần mấy chữ, cái đói đã tràn đến cũng đủ gợi lên cuộc sống kinh hoàng về hiểm họa lớn của dân tộc. Nó tràn đến là nó mạnh như thác dữ, trên thực tế nó quét đi 1/10 dân số nước ta. Gây ra nỗi ám ảnh thê lương qua hai hoại hình ảnh:
Hình ảnh con người nạn đói: Những người sống nằm ngổn ngang khắp lều chợ, nhiều người chết cong queo bên lề đường. Âm thanh của nạn đói là tiếng quạ kêu từng lời thê thiết, tiếng khóc người chết theo gió đưa vào nhà. Mùi vị của nạn đói là mùi gây của xác người, mùi đốt đống rấm. Tất cả tô đậm thêm cảm giác thê lương của cái đói, cái chết thành hình, thành màu sắc, đường nét, mùi vị.
Quả là cái đói đã hủy diệt cuộc sống đến mức khủng khiếp. Đến như Tràng to lớn, lưng rộng như lưng gấu cũng chỉ đi từng bước mệt mỏi, cái đầu chúi về đằng trường như bị những lo lắng chật vật đè xuống. Cô con gái nhanh nhảu táo tợn có mấy hôm đã tả tơi gầy xọp, xám xịt.
Cuộc sống của người dân bị đẩy đến bước đường cùng. Người ta có thể nhặt được vợ như nhặt được cái rơm cái rác,. Chỉ cần mấy bát bánh đúc, vài câu đùa vu vơ mà Tràng – một người đàn ông nghèo khổ xấu xí lại là dân ngụ cư tưởng không bao giờ lấy được vợ – bỗng dưng lại lấy được vợ, vợ theo. Nếu không vì cái chết đói đe dọa dồn đuổi thì có lẽ không ai thèm lấy Tràng. Người đàn bà kia theo không Tràng trước hết là cho khỏi đói thế nhưng cái đói cũng không tránh khỏi cho nên bữa ăn đón nàng dâu cũng thật thảm hại. Trên một cái mẹt rách có một nhúm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo loãng.
Truyện ngắn Vợ nhặt không chỉ nói lên thực trạng xã hội đêm trước Cách mạng tháng Tám mà còn phản ánh chân thực xu hướng vận động của cuộc sống. Một sự vận động hướng về sự sống.
Kết thúc câu chuyện, nhà văn để người vợ nhặt thông báo một tin quan trọng trên mạn Bắc Giang, Thái Nguyên người ta không chịu đóng thuế nữa đâu, người ta phá kho thóc Nhật đưa cho dân đói, nhân đó Tràng nghĩ đến Việt Minh, nghĩ đến hình ảnh những người đói đi trên đê Sộp với lá cờ đỏ thắm. Mặc cho tiếng trống thúc thuế dồn dập, trong mắt Tràng chỉ nghĩ đến đám người đói với lá cờ đỏ. Trong hoàn cảnh đen tối này, Tràng nói rộng ra là quần chúng khốn khó đã hướng về cách mạng như một điều tất yếu. Vì chỉ có cách mạng mà biểu tượng là lá cờ đỏ mới cứu họ thoát khỏi cái chết.
Chi tiết kết thúc truyện tạo ra một kết cấu mở khiến Vợ nhặt thực sự vượt qua phạm trù của văn học hiện thực 1930 – 1945 để bước sang phạm trù của văn học cách mạng. Nhờ thế thiên truyện tuy đóng lại nhưng số phận nhân vật lại mở ra một trang mới khác hẳn với trang kết thúc của anh Pha, chị Dậu hay Chí Phèo.
Văn học là sản phẩm tinh thần của con người, cái đích mà văn học nghệ thuật hướng tới là con người cho nên tình cảm nhân đạo của văn học chính là thái độ của người nghệ sĩ trước những vấn đề liên quan đến quyền sống, quyền làm người của mỗi con người góp phần làm cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Kim Lân đã viết về cuộc sống của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám với sự đồng cảm xót xa, day dứt. Nếu không có một tình cảm gắn bó thực sự với người nông dân, nếu không trải qua những năm tháng đen tối thì không dễ gì viết lên những trang sách thấm thía xúc động.
Nhà văn đã phát hiện và miêu tả những phẩm chất tốt đẹp của người lao động. Mặc dù bị xô đẩy đến bước đường cùng, dù đang mấp mé bên bờ vực của cái chết nhưng những người nghèo khổ ấy vẫn cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ, chia sẻ với nhau khi hoạn nạn. Tấm lòng của mẹ con Tràng thật quý báu.
Đó là nhân vật xoàng xĩnh về ngoại hình, nói năng cộc cằn, thô lỗ nhưng vô cùng nhân hậu. Thấy người đàn bà đói quá Tràng sẵn sàng cho ăn dù chẳng dư dật gì, thấy người đàn bà quyết tâm theo mình dù lo sợ cho tương lai, thóc gạo này chả biết đến cái thân mình còn lo nổi hay không anh vẫn rất nhân hậu cưu mang chị.
Bà cụ Tứ không hề xua đuổi người vợ nhặt kia, tình thương của bà lớn lao, bao dung làm sao. “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau qua cơn đói này không”. Chúng nó là Tràng, là vợ Tràng. Mà trong chữ chúng nó, ta thấy bà mẹ đâu chỉ thương, chỉ lo cho con trai mình mà còn thương, còn lo cho cả người đàn bà tội nghiệp kia nữa. Rõ ràng cuộc sống ảm đạm khốn cùng không làm họ mất đi tình thương, lòng nhân hậu, đạo lí làm người mà tình thương vẫn lớn hơn tất cả.
Mảng tối của bức tranh hiện thực buồn đau khiến cho mảng sáng của tình người tỏa sáng rực rỡ.
Nhà văn đã khơi được mầm sống giữa lòng sự chết chóc, con người trong bất kì tình huống nào vẫn khao khát tình yêu thương, khao khát hạnh phúc gia đình. Đặt các nhân vật của mình vào không gian lay lắt của nạn đói nhà văn thể hiện thành công nỗi khát thèm được sống, được yêu thương hạnh phúc của họ. Nó ánh lên từ các nhân vật không tên đến nhân vật có tên.
Sau khi Tràng có vợ, xóm ngụ cư như rạng rỡ hẳn lên, có cái gì tươi mát lạ lùng thổi vào cuộc đời của họ. Nó làm cho hai mắt Tràng sáng lên lấp lánh, khiến anh ta quên cái đói, cái chết đang đe dọa để chỉ còn thấy tình nghĩa với người đàn bà đi bên. Nó làm cho người đàn bà vợ nhặt trở thành người vợ đảm đang, hiền thục. Chị bắt đầu vun vén cho tổ ấm của mình, chị quét dọn sân nhà sạch sẽ, rồi xách nước đổ đầy ang.
Đọc Vợ nhặt người ta có một ánh sáng kì diệu tỏa sáng suốt thiên truyện. Đó là ánh sáng của hạnh phúc gia đình giữa lúc nạn đói hoành hành đã làm thay đổi tất cả. Chính sự khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc đã làm cho câu chuyện vợ nhặt của Tràng trở nên sâu sắc hơn, mang chiều sâu nhân bản.
Thương yêu con người, nhà văn không chỉ tố cáo bè lũ thống trị chà đạp lên quyền sống con người mà đứng ra bênh vực, bảo vệ nhân phẩm cho họ. Chuyện nhặt được vợ của Tràng đã trở thành một câu chuyện thật cảm động, ám ảnh lòng người.
Bên cạnh đó giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm còn thể hiện niềm tin tưởng, hướng vọng về tương lai, về ngày mai, hé sáng trong cuộc đời người lao động.
Niềm tin ấy của nhà văn chủ yếu gửi gắm vào nhân vật bà cụ Tứ. Bà cụ rất tin tưởng vào tương lai của con mình “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Bà lão xăm xắn quét nhà cửa – cái việc tưởng như không đâu ấy hóa ra ý nghĩa. Sắp xếp quét dọn nhà cửa tức là họ muốn sống lâu dài. Trong bữa ăn bà toàn nói chuyện vui, toàn chuyện sung sướng và dự tính tốt đẹp.
Niềm tin vào sự sống, vào tương lai của những người lao động được nhà văn thể hiện qua kết cấu của tác phẩm. Nhà văn như chú ý kể lại tác phẩm theo trình tự thời gian: chiều tà đến đêm xuống và sáng hôm sau. Truyện mở ra bằng cảnh căn nhà tối om không có đèn lửa kết thúc là hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới. Lá cờ sẽ xua đi bóng tối trong cả nước và đôi trai gái đi đến đâu ở đó sáng lên đến đấy. Họ về đến căn lều, căn lều sáng lên nhờ chai dầu của Tràng. Sáng hôm sau mặt bà cụ Tứ cũng sáng lên, bà cười đon đả. Cả thế giới bao quanh ngôi nhà cũng sáng lên.
Qua mỗi trang văn của tác phẩm, qua cách nhìn đời, nhìn người ấm áp, ta thấy niềm tin của nhà văn với khát vọng chân chính của con người. Tác phẩm đã vượt lên hạn chế thường thấy ở nhà văn hiện thực trước cách Mạng. Nhờ có tương quan nhân sinh quan cách mạng nên viết về quá khứ đau thương của dân tộc Kim Lân đã có điều kiện bộc lộ tinh thần nhân đạo của mình toàn diện, triệt để và tiến bộ hơn.
Vợ nhặt là một thông điệp có giá trị của Kim Lân: Hãy biết sống ngay cả khi cuộc đời không chịu được nữa. Đây là bài ca về những con người đã biết sống như con người trong thời túng đói quay quắt.
Kết luận: Phân tích giá trị trong truyện ngắn “Vợ nhặt
Vợ nhặt của Kim Lân là một truyện ngắn phản ánh chân thực cuộc sống xã hội trong nạn đói 1945, đồng thời tác phẩm còn chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc. Chọn tình huống nhặt vợ do nạn đói khủng khiếp gây nên nhà văn đã phản ánh rõ nét hiện thực xã hội thuộc địa và sự bóc lột tàn nhẫn của bọn thực dân. Bên cạnh đó tác phẩm không nhằm miêu tả sự mất giá, sa đọa của con người mà nhà văn đi sâu vào miêu tả tình yêu, sự sống của những người bên bờ cái chết như một nguồn sáng, nguồn ấm áp sưởi ấm lòng người, thôi thúc họ đi tới, cứu lấy đời mình. Tác phẩm đã cho thấy mối liên hệ khăng khít giữa nhu cầu sống của mỗi cá nhân lao khổ với công cuộc cách mạng xã hội. Điều đó nói lên giá trị hiện thực, tư tưởng nhân đạo mới mẻ có tính chiến đấu của tác phẩm.