
Đề bài: Những hạt bụi vàng Hà Nội trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải.
NỘI DUNG TÓM TẮT
Mở bài: Phân tích hình ảnh hạt bụi vàng Hà Nội trong ” Một người Hà Nội”
Đọc Nguyễn Khải, ai cũng nhận thấy ở ông sự sắc sảo, thông minh. Cái thông minh nhiều khi như “đi guốc vào bụng thiên hạ”. Ông cũng được coi là cây bút xông xáo, nhạy bén với cái mới và có khả năng phát hiện nhiều giá trị đang bị khuất lấp đâu đó trong cuộc sống ngổn ngang, bề bộn hôm nay. Nhưng không chỉ thế, mà độc chiêu của Nguyễn Khải lắm khi nằm ngay trong cách kể của ông. Ông biết dẫn người đọc vào những câu chuyện của mình bằng một lối kể dân dã, tưng tửng, nhiều khi thật như đùa, đùa như thật. Viết như thế, kể như thế phải là người rất tin vào thực tài và sự trải nghiệm của mình. Từ trải nghiệm mà nâng thành triết lý, cao nữa là triết luận. Triết luận về đời, về thời, về danh – phận con người…
Thân bài: Phân tích hình ảnh hạt bụi vàng Hà Nội trong ” Một người Hà Nội”
Thực ra, trước 1975, Nguyễn Khải đã hấp dẫn người đọc bằng lối kể không giống ai. Chỉ có điều, ông hay kể về những thứ mà ông đã nhìn thấy bằng tâm thế của một “thời lãng mạn”. Đó là cách kể của một người hớn hở đi tìm chân lý dù biết rằng cái chân lý ấy vốn là của cộng đồng và do cộng đồng xác lập. Nếu có cựa quậy thì cũng chỉ là “bơi ngược một tý, rẽ ngang một tí” rồi cuối cùng “lại khuôn mình theo dòng chảy” để vừa “an toàn”, vừa “vui vẻ” mà thôi. Phải đến những năm 80, nhất là sau thời đổi mới, Nguyễn Khải bắt đầu nói nhiều hơn đến những điều ông nghiệm thấy. Nhờ thế, cái riêng mới xuất hiện lên tròn vành rõ chữ. Chữ của ông ở đây trở nên tung tẩy, khoáng đạt, giàu màu sắc chiêm nghiệm hơn.
Sau nhiều lần đi xa, xa hơn nữa, Nguyễn Khải nhận thấy cái điều mà bấy lâu ông không thật để ý: “Nếu một truyện ngắn hoặc một cuốn tiểu thuyết chỉ có chuyện của người không có chuyện của mình thì mạng sống của nó không dài hơn một bài báo”. Thì ra, đi xa hơn nữa là để cuối cùng gặp được chính mình. Viết về mình, những cái mình gần gũi để lắng nghe nỗi niềm của thân phận là mối quan tâm lớn nhất của Nguyễn Khải thời kỳ này. Nó cho phép ông trổ được một cái nhìn riêng về đời sống. Lắm khi ông tự lôi mình ta mà giễu, rồi nhân đó mà chọc đời, ghẹ thế một chút. Nhưng có chọc, có ghẹo cũng cốt là để hiểu hơn về đời, bao dung hơn với người chứ không phải để than vãn, hờn dỗi theo kiểu anh hùng bĩ vận”. Với ông, thời nào có người của thời ấy. Giờ đây, ông thấy việc lộn trái mình để phân tích, mổ xẻ cũng là một khoái thú thẩm mỹ. Mà xem ra. Chỉ nội cái tôi riêng tư ấy cũng khối chuyện, cả đời chắc gì đã hiểu hết nó. Rồi bất ngờ ông rẽ vào Hà Nội – Hà Nội trong mắt tôi. Vâng, đã có riêng một Hà Nội của Nguyễn Khải chứ không phải là Hà Nội của Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Thạch Lam hay bất kỳ ai khác. Hà Nội, nơi Nguyễn Khải có lắm người thân nhưng có thời dường như hơi xa lạ. Nay ông đã hiểu về họ khác hơn, nhân hậu hơn. Trong xê ri truyện về đất kinh kỳ, Một người Hà Nội là truyện ngắn được nhiều người nhớ. Nhớ vì Nguyễn Khải đã làm hiện lên một cách thật sinh động chất Hà Nội trong chính những con người Hà Nội bình thường nhất. Nhớ vì cái duyên kể linh hoạt và hấp dẫn của ông. Nhớ vì trong người có ta, chuyện của người cũng là chuyện của mình…
Nguyễn Khải thường không quá để tâm về cách tổ chức tình huống, cách xây dựng cốt truyện như ta vẫn thường thấy ở nhiều cây bút truyện ngắn khác. Mạch truyện của ông thường “lỏng”, nhiều khi nó chỉ tựa vào sự đuổi bắt ý nghĩ của các nhân vật và người kể chuyện. Sự chặt chẽ trong văn Nguyễn Khải chủ yếu thể hiện ở đường dây nối kết các suy tư nằm ở bên trong. Nhưng nhờ thế mà ông có điều kiện rọi sâu vào đời sống nội tâm của họ, phân tích tâm lý và dòng ý thức của nhân vật một cách sắc nét. Nói đúng hơn, Nguyễn Khải là cây bút có thiên hướng miêu tả tâm lý, miêu tả tư tưởng nhân vật. Vì thế, các đoạn đối thoại của ông bao giờ cũng sắc sảo ngôn ngữ đối thoại đầy góc cạnh, giàu cá tính. Cô Hiền trong truyện ngắn này là một nhân vật được “tạo tác” theo “quy trình” như thế.
Để đảm bảo tính khách quan của câu chuyện, nhà văn bắt đầu bằng việc thuyết minh quan hệ: “Chúng tôi gọi là cô, cô Hiền, là chị em đôi con dì ruột với mẹ già tôi”. Bạn đọc hãy tin rằng, chuyện về cô Hiền là có thật. Đó là mở truyện đầy tự tin của một cao thủ trong nghề, nhất là khi người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ nhất và nhà văn cố ý tạo ra sự mập mờ giữa một người kể (xa lạ và tác giả qua cách nói “anh Khải”, “đồng chí Khải”. Người kể chuyện không đóng vai quan sát thuần túy mà anh đã tham gia vào câu chuyện, trò chuyện cùng nhân vật, suy ngẫm về người Hà Nội qua các nhân vật của mình. Đó cũng là một hình thức nhằm tạo nên tính đa thanh trong truyện ngắn theo cách riêng của Nguyễn Khải. Mặc dù toàn bộ câu chuyện được tái hiện qua điểm nhìn của người kể chuyện nhưng người đọc vẫn nhận thấy có sự xuất hiện của hai trường nhìn: trường của “tôi” và trường của nhân vật. Trường nhìn của “tôi” không áp chế trường nhìn của nhân vật và điều đó đã đem đến tính dân chủ trong các màn đối thoại do nhà văn thiết tạo trong văn bản. Để làm nổi bật tính cách cô Hiền, Nguyễn Khải đặt nhân vật trước những biến động lớn của đất nước, rồi từ “thời gian của người” mà khái quát về các giá trị được kết tinh trân mạch chảy của thời gian: Chín năm cô Hiền ở trong thành, không dính líu gì đến chính phủ “ngoài kia” cả. Khi Hà Nội được giải phóng, cô ở lại vì “không thể rời ra Hà Nội”. Đơn giản, Hà Nội đã trở thành không gian tinh thần không thể thiếu. Hà Nội đồng nghĩa với một tình yêu.
Trong cái nhìn của người kể chuyện, những người Hà Nội gốc như cô Hiền thật khó gần. Lỗi là họ ở rộng quá, cái ăn cái mặc cũng sang trọng quá. Sao họ không như số đông, ăn uống bình dân, sinh hoạt bình dân, bày đặt những quy tắc lễ nghi làm gì cho thêm phiền phức? Hà Nội được giải phóng, thời của các quý ông, quý bà “mang bộ mặt tư sản” đã qua rồi, giờ là thời lính tráng chúng tôi. Nhân vật “tôi” hoàn toàn ý thức được mình là nhân vật chính trên sân khấu thời cuộc lúc bấy giờ. Cũng chẳng có gì lạ trong văn học hiện đại nước ta, Nguyễn Khải là ông vua luận về chữ thời đại, các nhân vật của ông trước sau là những kẻ loay hoay chọn thời, lựa thời. Những xung đột cơ bản được nêu lên trong sáng của Nguyễn Khải xét đến cùng đều xuất phát từ cái nhìn và thái độ lựa chọn lẽ sống của các thời khác nhau. Trước cơn ba động của lịch sử, liệu cô Hiền có bắt nhịp được với những bước đi ấy của thời thế. Sự lo lắng và nghi ngại của “tôi” không phải không có cơ sở “Cô Hiền đích thị là tư sản rồi”. Đã là tư sản thì không thể tin cậy được. Việc mình mình biết, việc cô mặc cô, dính líu nhiều ngày lại có rắc rối. Thế đầy, đã có thời quan hệ máu mủ họ hàng phải lùi lại phía sau vì nhường chỗ cho quan hệ giai cấp. Điều đáng nói là cô Hiền vừa tìm cách thích ứng với cuộc sống mới vừa viết giữ nếp sống và cách nghĩ của mình. Cô sống ngay thẳng, dám bộc lộ chính kiến, suy nghĩ riêng ngay cả trước ông cháu cách mạng: “Một đời tao chưa từng bị ai cám dỗ, kể cả chế độ”. Phải rất bản lĩnh mới có sự “thẳng thừng như thế”. Khi mọi người đang vui, cô nhận xét: “Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ”. Theo cô, “chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá, nào phải tập thể dục mỗi sáng, phải sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, vợ chồng phải sống ra sao, trai gái phải yêu nhau thế nào…”. Bản lĩnh ấy khiến cô Hiền chưa một lần rơi vào bị động. Trái lại, cô luôn chủ động trong mọi tình huống. Trước hết, cô tìm mọi cách giữ lấy vẻ đẹp văn hóa của đất kinh kỳ, coi nó là nền tảng của gia đình, của người Hà Nội. Chẳng thơm cũng thể hoa nhài – Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Vì thế, cô dạy con từ cách ngồi ăn, cách cầm bát đũa, múc canh đến cách nói chuyện trong bữa ăn, cô nhắc nhở khuyên răn “lũ con tôi”: “Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng”. Thì ra, cái cách “vợ chồng con cái ngồi xúm xít quanh cái mâm nhôm”, “vừa ăn vừa quát mắng con cái”, “nhồm nhoàm, hả hê”… của gia đình tôi trong con mắt của cô Hiền là một kiểu tùy tiện rồi còn gì! Trong truyện ngắn này, người kể chuyện tự rút ra suy ngẫm khi chứng kiến nhiều sence mang màu sắc tương phản: cách ăn uống bình dân và cách sống của gia đình cô Hiền, chất lính tráng quan thuộc và nếp văn hóa sang trọng của các cựu công dân Hà Nội, Hà Nội thời cô Hiền và Hà Nội thời kinh tế thị trường… Xuyên qua các tương quan ấy, “tôi” buộc phải tự điều chỉnh lại mình, từ đó mà phát hiện ra những vẻ đẹp ẩn kín của người Hà Nội. Bản lĩnh và thực tế lại thừa khôn ngoan, cô Hiền tính được nhiều nước cờ khác nhau. Nước nào cũng hay. Cô lấy chồng ở tuổi ba mươi, sau khi đã vui đùa một chút thời son trẻ. Chồng cô không phải là một ông quan, cũng chẳng phải là một ông văn nhân nghệ sĩ nào sất. Đó là một ông giáo dạy tiểu học hiền lành chăm chỉ. Thế là yên cửa, yên nhà. Trước khi có chính sách cải tạo tư sản, cô đã kịp bán một ngôi nhà. Thế là khỏi xác minh, rách chuyện. Cô chỉ làm nghề bán hoa giấy, cái nghề không giàu nhưng đủ ăn. Thế là nhàn nhã mà không bị liệt vào giai cấp bóc lột. Cô chấp nhận hoàn cảnh, không cho chồng mở xưởng, thuê thợ vì “chế độ này không thích cá nhân làm giàu”.
Tóm lại, đó là lối ứng xử biết người biết ta, biết thích ứng với thời mà vẫn không đánh mất mình. Đó phải chăng cũng là nét riêng của người Hà Nội trong tính toán và trong cách ứng xử với thời thế? Nó mềm mại, uyển chuyển nhưng lại rất quyết liệt: “đã tính là làm, đã làm là không thèm để ý đến những đàm tiếu của thiên hạ”. Thì ra, nét nổi bật nhất trong tính cách cô Hiền là cách ứng xử đậm chất “quân tử”: bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải sống cho đàng hoàng, không được đánh mất lòng tự trọng. Tự trọng là yếu tố cốt lõi của nhân cách, là nhân tố quan trọng nhất để làm người, nhất là với những ai ý thức được rằng mình là người Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà cô khẳng định: “Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ còn sau này muốn sống ra sao thì tùy”. Chính vì tự trọng mà người mẹ ấy để con ra trận: “Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hy sinh của bạn bè. Nó dám đi cũng là biết tự trọng”. Sao lại không “đau đớn khi mà cô hiểu, bom đạn không chừa một ai”. Nhưng “bằng lòng” nghĩa là cô chấp nhận sự hy sinh. Điều này làm ta nhớ đến một ý tưởng của Nguyễn Đình Thi: Việc nước lớn nhưng việc người cũng không hề nhỏ.
Cách yêu nước của người Hà Nội là thế: sâu sắc và kiêu hãnh. Đứa con thứ hai xin ra trận, thái độ của cô cũng hết sức đàng hoàng, thẳng thắn: “không khuyến khích, không ngăn cản” vì “ngăn cản nó tức là bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết cũng là một cách giết nó”. Những lời nói trên đây của cô Hiền không hề cao giọng. Nhưng phía sau là cả một thái độ sống thật đánh trọng. Người mẹ ấy tự xác định cho mình: “Tao cũng muốn sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì”.
Dõi theo các phát ngôn của cô Hiền trong truyện, người đọc thấy rõ sự nhất quán trong tính cách của cô: không thích dựa dẫm, ỷ lại, đã sống là phải sống sao cho tử tế. Ngẫm ra, trong đời, để làm được một người tử tế khi có lòng tự trọng, biết phân biệt phải trái, biết chấp nhận và biết hy sinh. Nhưng phàm những ai đã mang danh là người Hà Nội, người đó còn phải biết hướng tới cái đẹp. Đó là cái đẹp tỏa ra từ chiều sâu văn hóa Hà thành. Không phải ngẫu nhiên mà hàng tháng, cô Hiền lại mời cơm bạn bè. Chính trong những bữa cơm ấy, cô và bạn bè được sống lại một thời vàng son xưa. Thời ấy tuy đã xa nhưng nó chưa hề mất đi. Nó đã trở thành một phần của Hà Nội, là dấu hiệu phân biệt nếp sống kinh kỳ và nếp sống tỉnh lẻ.
Ngày nay, khi Hà Nội đã khấm khá hơn trong thời đổi mới, người ta lại bắt đầu mở sa lon nghệ thuật, galery hội họa… Đủ thấy nhu cầu được làm đẹp, làm sang đâu đơn giản là chuyện phù phiếm của những kẻ tư sản bóc lột! Ngay cả, khi đã ngoài bảy mươi tuổi, cô Hiền vẫn giữ lấy những thú chơi hào hoa, phong nhã của người Hà Nội: “Cô đang lau đánh một bát thủy tiên men đỏ, hai cái đồng rồng hàn nối bằng đồng, miệng chân cũng bằng đồng, tuyệt đẹp”. Chao ơi, hoa thủy tiên thường gắn liền với vẻ đào tơ của thiếu nữ chứ đâu phải một bà già. Nhưng cô Hiền vẫn say sưa với công việc của mình như thế, nếu thiếu đi cái ngà ngọc của thủy tiên, vẻ đẹp cái tết Hà Nội sẽ vơi đi rất nhiều. Mà liệu trong thời thị trường hôm nay, mấy ai có đủ khéo léo cắt tỉa và thưởng ngoạn một loài hoa sang trọng như thủy tiên? Cô Hiền yêu thủy tiên bởi trước sau cô vẫn là “một người Hà Nội của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn”.
Không riêng gì cô Hiền, chất Hà Nội còn hiện lên ở những người bình thường khác như Dũng, Tuất và người mẹ của Tuất… Họ không ồn ào. Họ lặng lẽ đến thẳm sâu. Dường như so với người nơi khác, dân Hà Nội sống nội tâm hơn, kỹ lưỡng hơn và có lẽ cũng vì thế mà họ tinh tế hơn chăng? Phẩm chất ấy đâu phải ngay một lúc mà có. Nó là công phu của bao đời vun luyện mà thành. Bởi thế, lẽ ra trong bữa cơm gặp mặt, người anh hùng từ chiến trận phải vui hơi nhiều nói hơi nhiều như “tôi” mới phải. Đằng này, Dũng lặng lẽ “chỉ có những chuyện không được vui lắm”. Dũng vui sao được khi trong sáu trăm sáu mươi người lính lên đường hôm ấy giờ đây chỉ còn trên dưới bốn chục. Trong số những người nằm lại ấy có cả Tuất, người bạn cùng anh mười năm gắn bó bên nhau. Về Hà Nội, phải mấy ngày sau Dũng mới dám gặp mẹ Tuất. Nhưng thật không ngờ, người mẹ ấy không khóc. Bà chỉ run rẩy: “Nín đi con, nín đi Dũng. Cô đã biết cả rồi. Cô biết từ mấy tháng nay rồi”. Hình ảnh mẹ con Tuất chỉ xuất hiện thoáng chốc nhưng lại đầy ám ảnh. Họ đã hy sinh mà không đòi bất cứ điều gì. Người mẹ ấy đã giấu nỗi đau kia vào lòng bằng một tình yêu lớn, một nghị lực phi thường.
Như vậy, việc không chọn những anh hùng, dũng sĩ mà còn chọn những người vô danh làm nhân vật trung tâm cho thiên truyện, cùng lúc, Nguyễn Khải đạt tới hai hiệu quả thẩm mỹ. Thứ nhất, chất Hà Nội không chỉ hiện lên qua những tấm gương điển hình mà nó thấm sâu vào những người bình thường nhất. Đây mới là nhân tố cơ bản tạo nên tính bền vững của các giá trị. Thứ hai, nói về những số phận thường dân, Nguyễn Khải đã lựa chọn được một thế viết không ngoan. Ông trò chuyện với nhân vật một cách tự nhiên, phát ngôn của nhân vật và phát ngôn của “tôi” không cùng hướng mà tranh biện, đối thoại một cách bình đẳng. Như vậy, Nguyễn Khải đã để cho tư duy tiểu thuyết thoải mái tràn vào trang viết của mình. Nhờ thế, ngôn ngữ của ông hiện lên hết sức sinh động, nhiều sắc thái giọng điệu đan nhau tạo nên sự linh hoạt của mạch chuyện.
Đọc văn Nguyễn Khải thời sau dễ nhận thấy bên cạnh chất giọng suy ngẫm, triết lý cong có sự góp mặt của chất giọng hài hước, dí dỏm… Chính màu sắc hài hước và cái nhìn suồng sã trong văn Nguyễn Khải làm cho văn ông đời hơn, giàu sức hút hơn. Văn chương vừa giúp người đọc nhận ra những chân lý sâu sắc ở đời nhưng cũng phải để cho người ta sướng. Nếu đọc một tác phẩm mà chưa thấy sướng thì những triết lý của nhà văn rất dễ ngả màu xã luận. Có lẽ ở tuổi nào đó, người ta mới ý thức rõ hơn rằng, giản dị mới đích thực là vẻ đẹp của văn chương. Tất nhiên, đó là sự giản dị của một khéo léo lớn. Tôi nghĩ, Nguyễn Khải chắc chắn đã thấm được yêu cầu rất cao ấy của nghề văn. Là cây bút già dặn, hưởng tới cái hôm nay bằng cảm hứng nghiên cứu và triết luận, Nguyễn Khải không nhìn hiện thực một cách xuôi chiều. Ông nhận thấy bên cạnh những vẻ đẹp thanh cao, có cả những người Hà Nội thấp kém về văn hóa. Một ông trẻ đâm vào xe người khác, đã không có một lời xin lỗi lại còn cố chửi một câu thô tục: “Tiên sư cái anh già”. Lại có kẻ nhìn người hỏi thăm đường như “nhìn con thú lạ”. Thời kinh tế thị trường, đồng tiền rất dễ trở thành chúa tể, không hiếm người đo ướm giá trị của người khác qua vỏ mà không cần đến cái ruột ở bên trong: “Ông ăn mặc tẩm như thế lại đi xe đạp họ khinh cho là phải, thử đội mũ dạ, áo bađơxuy, cưỡi cái Cúp xem, thưa gửi tử tế ngay”. Điều cần nói là ở chỗ, những nhân vật mà “tôi” than phiền chủ yếu là những người đang còn trẻ. Thật đau lòng vì họ chính là chủ nhân của Hà Nội ở thời tương lai. Nghe những chuyện “không mấy vui vẻ” mà “tôi” đã kể, cô Hiền không bình luận. Thử hỏi một người yêu Hà Nội như cô còn biết bình luận gì khi mà hẳn cô cũng từng bắt gặp đâu đó đôi lần. Có phải những nhố nhăng ấy đang làm đổ gãy phong hóa Hà Nội như cô còn biết bình luận gì khi mà hẳn cô cũng tằng bắt gặp đâu đó đôi lần. Có phải những nhố nhăng ấy đang làm đỏ gãy phong hóa Hà Nội như hình ảnh cây si cổ thụ kia đổ nghiêng lá sau trận bão mùa hè? Nhưng rồi cây si đã được dựng lại. “Sau một tháng, cây si lại sống, lại trổ lá non, vẫn là cây si của nhiều thế hệ”. Cái bình thường đã trở lại sau những bất thường. Đây là một ẩn dụ nghệ thuật có sức gợi lớn. Dù “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được, dù Hà Nội còn có những kẻ thô tục, thậm chí vô cảm đang tồn tại thì phong khí, cốt cách kiêu hãnh, hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội sẽ mãi còn”.
Một người Hà Nội cho thấy sự vận động trong tư duy nghệ thuật của Nguyễn Khải nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Trước đây, chúng ta chủ yếu trình bày số phận cá nhân trong bức tranh hoành tráng của lịch sử thì giờ đây các nhà văn có ý thức trình bày lịch sử qua số phận cá nhân. Cô Hiền chỉ là một người Hà Nội bình thường vô danh, một người vẫn tồn tại đâu đó trong những góc phố Hà Nội có chiều dài lịch sử ngàn năm. Nhưng từ cái vô danh thầm lặng ấy, Nguyễn Khải đã làm nổi bật cốt cách văn hóa Hà Nội bằng cái nhìn nghệ thuật giàu tính phát hiện. Tôi nhớ, Nguyễn Khải có lần bày tỏ sự thán phục đối với Nam Cao và Kim Lân. Là bởi hai cây bút tài danh ấy đã dựng lên những thân phận có khả năng khiến người đọc “gai người như bị dao cứa vào tận hồn cốt của mình”. Mà Chí Phèo, lão Hạc hay mẹ con anh cu Tràng đâu phải là anh hùng vĩ nhân, họ là những kẻ đầu thừa đuôi thẹo, những kẻ vô danh đấy chứ. Cũng như họ, cô Hiền chỉ là hạt bụi. Nhưng cảm hứng nghệ thuật của Nguyễn Khải không trôi về phía bí đại: “Thân cát bụi lại trở về cát bụi” mà hướng về phía niềm tin. Bởi thế, đó không phải là những hạt bụi vô nghĩa, đó là hạt bụi vàng quý giá: “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại là một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”.
Kết luận: Phân tích hình ảnh hạt bụi vàng Hà Nội trong ” Một người Hà Nội”
Những suy ngẫm trên đây của người kể chuyện mở ra trong cảm nhận của người đọc những suy ngẫm sâu sắc về chiều sâu tâm hồn người Hà Nội. Vẻ đẹp chói sáng và lộng lẫy của những ánh vàng Hà Nội chỉ có thể có được bắt nguồn từ những hạt bụi vàng một thời đã hết lòng yêu Hà Nội và giữ cho Hà Nội mãi mãi xứng danh đất kinh kỳ. Cũng như thế, sự trường cửu và sự lộng lẫy của dân tộc mình chỉ có thể có được khi mỗi chúng ta phải biết sống hết mình vì Tổ quốc, Và sống kiêu hãnh như một con người.