
Đề bài: Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Lý giải việc đặt tên và nêu ý nghĩa biểu tượng của tên truyện “Rừng xà nu”.
NỘI DUNG TÓM TẮT
Mở bài : Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn “Rừng xà nu”
Văn học viết về đề tài miền núi đã đem đến cho văn học Việt Nam hiện đại một màu sắc riêng, một màu sắc đậm đà chất dân tộc. Những tác phẩm viết về giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955, cả hai tác phẩm được trao giải nhất lại đều viết về đề tài miền núi. Đó là Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài giải nhất của truyện ký; và Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc giải Nhất về tiểu thuyết. Tiếp theo Đất nước đứng lên, mười năm sau Nguyên Ngọc (Nguyễn Trung Thành) lại thành công xuất sắc trong một tác phẩm viết về đề tài miền núi đó là truyện ngắn Rừng xà nu. Truyện ngắn này đã được tặng giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu năm 1965.
Thân bài : Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn “Rừng xà nu”
Rừng xà nu là hình tượng trung tâm xuyên suốt tác phẩm góp phần thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Mở đầu và kết thúc tác phẩm đều là hình tượng cây xà nu. Hàng vạn cây xà nu, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những cây xà nu nối tiếp nhau đến chân trời. Một kết cấu đầu cuối tương ứng lấy hình ảnh xà nu là trung tâm đã tạo nên một bối cảnh sử thi làm nền cho cuộc đời bi tráng của Tnú và cuộc đồng khởi của dân làng Xô Man.
Trong toàn bộ thiên truyện, xà nu còn được nhắc đi nhắc lại không dưới hai mươi lần từ những góc độ khác nhau. Có khi cây xà nu hiện ra từ trong kỷ niệm. Có khi hiện lên từ hiện tại lúc thì là rừng xà nu, lúc thì thân xà nu, cành xà nu, vỏ xà nu, lá xà nu, lửa xà nu…
Điều đáng lưu ý là xà nu không được miêu tả từ góc độ sinh vật học mà được cảm nhận trong sự gắn bó với con người, trở thành biểu tượng cho con người.
Trong văn chương nghệ thuật đã từng xuất hiện thủ pháp lấy cây, hoa làm biểu tượng cho con người. Cây tre tượng trưng cho người dân Việt Na, cũng như cây bạch dương tượng trưng cho người dân Nga. Nếu ở Việt Nam cây đa cây đề là biểu tượng cho người cao tuổi thì ở Nga đó là cây sồi già. Cây Kơnia đối với người Tây Nguyên cũng là biểu tượng cho người Tây Nguyên, lòng chung thủy lại đến với xây xà nu và gửi gắm ở hình tượng này những cảm xúc mới về cuộc sống, vẻ đẹp của người Tây Nguyên trong kháng chiến.
Cây xà nu biểu tượng cho sức sống kiên cường, bất khuất và những tác phẩm cao đẹp của người dân Tây Nguyên.
Để hình tượng cây xà nu trở thành biểu tượng cho con người thì giữa cây và người phải có sự tương đồng phẩm chất, cảnh ngộ giữa cây và người phải có sự gắn bó quen thuộc.
Xà nu là loại cây họ thông, có sức sống dẻo dai, mãnh liệt, sinh sôi nảy nở rất nhanh. Xà nu lại gắn bó thân thiết đối với người dân Xô Man, người dân Tây Nguyên. Gỗ xà nu, khói xà nu làm bảng đen để anh Quyết dạy cái chữ cho Tnú và Mai. Khói xà nu đen nhẻm trên thân hình những đứa trẻ làng Xô Man. Lửa xà nu có trong bếp mỗi gia đình, có trong bếp nhà ưng. Lửa xà nu soi rõ xác mười tên lính ác ôn nằm quanh đốm lửa trước nhà ưng, người dân Xô Man sinh ra và lớn lên dưới bóng cây xà nu. Chính sự tương đồng và những gắn bó mật thiết này đã làm cho cây xà nu trở thành biểu tượng cho người dân Tây Nguyên.
Để cây xà nu trở thành biểu tượng cho con người, nhà văn đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật nhân cách hóa xuyên suốt toàn bộ thiên truyện này, thân xà nu thành thân hình xà nu, nhựa xà nu như những cục máu lớn, rừng xà nu ưỡn những tấm ngực lớn ra che chở cho làng.
Trước hết hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn là chứng nhân cho tội ác của quân thù. Mở đầu tác phẩm, người đọc bắt gặp hàng trăm, hàng ngàn cây xà nu những mảnh đạn của giặc giày xéo, “không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão”. Rừng xà nu đang ở trong tầm đại bác của giặc và hàng ngày, hàng giờ đang bị lửa đạn của giặc hủy diệt. Ở đây, nhà văn không dựng lại hết những tội ác của quân giặc đối với dân làng Xô Man bởi hình tượng cây xà nu đã nói lên tất cả. Rừng xà nu cũng như dân làng đều cùng chung số phận đau thương dưới làn bom đạn và tội ác của kẻ thù.
Cây xà nu còn là biểu tượng cho sức sống bất diệt của Tây Nguyên. Những cây xà nu cổ thụ, gió bão, bom đạn cũng không quật ngã nổi là biểu tượng cho người già – những người như cụ Mết. Những cây xà nu cổ thụ đã có từ bao đời trên mảnh đất Tây Nguyên, là chỗ dựa cho cả rừng xà nu. Hình tượng này gợi ta liên tưởng đến những người như cụ Mết. Những cây xà nu cổ thụ đã có từ bao đời trên mảnh đất Tây Nguyên, là chỗ dựa cho cả rừng xà nu. Hình tượng này gợi ta liên tưởng đến những người như cụ Mết. Người già bản này là cái gạch nối giữa hai lịch sử: thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cụ Mết đã từng trải qua bao thử thách, nhưng vẫn trụ vững trên mảnh đất Tây Nguyên. Cụ Mết cũng là người giàu kinh nghiệm, là chỗ dựa cho cả buôn làng. Khi miêu tả cụ Mết, nhà văn luôn so sánh với hình tượng xà nu, bàn tay chắc nịch của cụ sần sùi như vỏ cây xà nu, lồng ngực đỏ au, giọng cụ ồ ồ vang như nghe tiếng âm vọng của rừng xà nu. Những cây xà nu đã trưởng thành là biểu tượng cho lớp người như Tnú, Mai, Dít. Những cây xà nu này khi bị thương nhựa ứa ra, đọng lại thành cục máu lớn nhưng những vết thương của chúng nhanh chóng lành trên thân thể cường tráng. Lưng Tnú khi bị giặc chém máu ứa ra bầm tím lại như nhựa xà nu nhưng chỉ mấy ngày sau đã thành những vết sẹo. Những cây xà nu trưởng thành lớn lên trong bom đạn pháo của kẻ thù giống như Tnú, Mai, Dít. Những con người vạm vỡ, cường tráng mang trong mình sức sống của làng của đất rừng Tây Nguyên. Tuổi trẻ của họ đang được thử thách tôi luyện trong đấu tranh, vượt lên trên tất cả họ trụ vững như cây xà nu trong bom đạn. Họ như cánh chim đại bàng đã đủ lông mao, lông vũ đầy sức sống.
Những cây xà nu non mới mọc là biểu tượng cho lớp người như Heng. Những cây xà nu tuy mới mọc mà lá đã xanh rờn. Ngọn nhọn hoắt hình mũi tên, mũi lê lao thẳng lên bầu trời. Những đứa trẻ như Heng tuy còn nhỏ tuổi mà đã linh hoạt, cứng cỏi, gan góc đã tạc mình theo hình ảnh thế hệ cha anh.
Lửa cây xà nu ứng chiếu với ba thế hệ và cả rừng xà nu trở thành biểu tượng cho sức sống Tây Nguyên bất diệt. Nếu dòng nhựa xà nu truyền một cách nguyên vẹn từ những cây cổ thụ sang những cây non nớt mới mọc thì dòng máu Tây Nguyên bất khuất cũng truyền một cách nguyên vẹn từ lồng ngực thế hệ già sang trái tim thế hệ trẻ. Nếu cạnh một cây xà nu gục ngã vì đạn pháo thì đã có bốn, năm cây khác mọc lên với sức sống mãnh liệt, thì người dân làng Xô Man thế hệ nối tiếp kiên cường đứng lên chiến đấu. Anh Quyết hy sinh đã có Tnú và Mai bước tiếp. Mai ngã xuống đã có Dít đứng vào vị trí. Dít là hậu thân của Mai từ dáng vẻ đến tâm hồn. Khi Tnú lên đường tham gia lực lượng vũ trang thì đã Dít, Heng đảm nhận công việc của chính mình, của buôn làng. Bên cạnh những người già từng trải như cụ Mết có thế hệ trẻ Tây Nguyên giàu nhiệt tình như Dít, Heng. Điều này đã đưa nhà văn tới khẳng định chân lý sức sống Tây Nguyên là bất diệt như sức sống của cây xà nu vậy.
Cây xà nu biểu tượng cho những phẩm chất cao đẹp của người dân Tây Nguyên. Xà nu biểu tượng cho khát vọng tự do. Đã là cây xà nu thì cây nào cũng ham ánh sáng, đã là cây xà nu thì cây nào cũng có dáng câu thẳng ngạo nghễ, ngay cả leo lên bầu trời để đón lấy ánh sáng. Người dân Tây Nguyên cũng mang dòng máu tự do quật khởi. Họ cũng như bao người dân Việt Nam “tuốt gươm không chịu sống quỳ”.
Trong cuộc sống cũng như trong đấu tranh, người Tây Nguyên luôn có tình thương yêu đoàn kết, phẩm chất này được gợi lên từ hình tượng xà nu. Những cây xà nu cổ thụ thành chỗ dựa cho cả rừng xà nu. Những cây xà nu trưởng thành che chở cho những cây non mới mọc dựa vào những cây trưởng thành mà lớn lên tạo nên thành lũy vững chắc.
Ra đời vào những năm 1965 trong những ngày bắt đầu cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam nước ta, tác phẩm đượm không khí, tinh thần thời đại. Dường như qua mỗi trang văn ta được chiêm ngưỡng mỗi trang đời, có cái lay động của những tâm hồn. Những tấm lòng nhiệt huyết kiên cường, có cái chân xác trong suy nghĩ, những triết lý chiêm nghiệm sâu sắc, có cái linh thiêng trong hơi thở dân tộc hào hùng.
Với tiêu đề vừa lạ vừa quen, Rừng xà nu dường như đã bao chứa được cả khí thiêng của đất rừng Tây Nguyên, cái nồng nàn linh liệu thanh âm cuộc sống. Với một nhà văn, nhất là một nhà văn có tài, việc đặt tên cho tác phẩm – đứa con tinh thần của mình – là một việc làm hết sức quan trọng, ý nghĩa. Bởi ở đó dồn chứa tình cảm, cảm xúc của nhà văn, ở đó ghi dấu linh hồn tác phẩm.
Nói như thế để thấy rằng trong ba thanh âm khỏe khoắn, giản dị, “rừng xà nu” kia nó hoàn toàn chẳng phải ngẫu nhiên hay vô tình trong tác giả.
Với ý định ban đầu viết về đồng bằng nhưng do mới gắn bó sâu nặng với Tây Nguyên, do sức ám ảnh nghệ thuật về mảnh đất hoang dại đầy bí ẩn mà rất đỗi thân thương, ấm áp nên khi tâm hồn tác giả bật dậy hình tượng rừng xà nu, tác phẩm đã ra đời. Câu chuyện về làng Xô Man đánh Mỹ, về những tấm gương cuộc đời rạng đẹp sáng ngời được ánh lên từ bức tranh xà nu với vẻ đẹp trang đầy sức sống. Tác phẩm nếu đặt tên Làng Xô Man hay lấy tên nhân vật chính Tnú thì có thể sẽ cụ thể hơn, rõ nét hơn nhưng nó sẽ mất đi sự khái quát, sức gợi mở – điều cốt yếu với các tác phẩm văn học vì thế với cách đặt Rừng xà nu nó không chỉ ghi nhận tâm hồn, tình cảm tác giả, mà hơn cả, nó còn bao chứa toàn bộ vẻ đẹp tác phẩm, vẻ đẹp của một thế giới sinh động ngân vang, lồng căng sự sống.
Hình tượng cây xà nu là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Trung Thành. Tính chất sử thi trong truyện ngắn này thể hiện qua bút pháp nghệ thuật miêu tả cây xà nu. Cây xà nu và người dân Tây Nguyên tuy hai mà một, hòa vào nhau tạo nên sức sống bất diệt. Với hình tượng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã đem đến một cái nhìn mới mẻ, có chiều sâu mà vẫn hòa hợp, đồng tình trong cái nhìn thời đại, hình tượng gần gũi, quen thuộc trong cảm quan cách mạng lành mạnh tươi sáng. Hình tượng rừng xà nu cũng là biểu tượng cho những con người, những cuộc đời dân làng Xô Man anh dũng kiên cường. Nhà văn đã làm tỏa sáng cả một thời đại: ca ngợi sức sống bất diệt trong con người đồng thời chỉ ra quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam khi kẻ thù đã cầm súng thì mình phải cầm giáo.
Kết bài: Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn “Rừng xà nu”
Rừng xà nu mang một vẻ đẹp kỳ vĩ. Mở đầu và kết thúc đều là hình ảnh xà nu với sức sống bất diệt, trải rộng trong không gian, chạy tít tắp đến chân trời. Đây là một bối cảnh mang vẻ đẹp sử thi. Những cây xà nu có sức sống kỳ diệu. Đó là sức sống huyền thoại mang tính chất sử thi. Rừng xà nu đã trở thành một biểu tượng, một bản anh hùng ca bất diệt trong con người XôMan, trong Tây Nguyên và trong cả dân tộc Việt Nam.