Phân tích nét riêng trong tác phẩm Đất nước và Việt Bắc

Đề bài: Cùng viết về đề tài đất nước và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng hai tác phẩm “Đất nước” (Nguyễn Đình Thi), “Việt Bắc” (Tố Hữu) lại là hai thế giới hình tượng riêng, giọng điệu riêng, chứa đựng khí phách riêng của mỗi hồn thơ. Hãy phân tích hai tác phẩm trên để làm rõ nét riêng trong mỗi bài thơ.

Mở bài: Phân tích nét riêng trong tác phẩm Đất nước và Việt Bắc

Đất nước là một khái niệm thiêng liêng, trừu tượng nhưng chính sự định nghĩa thiêng liêng ấy lại trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho bao thế hệ nhà thơ, nhà văn. Tuy nhiên, hình tượng đất nước của người nghệ sĩ này không phải là sự sao chép, rập khuôn của người nghệ sĩ khác. Viết về đề tài ấy, người cầm bút lại tìm tòi cho mình những nét riêng, độc đáo, hấp dẫn. Cho nên, rất xác đáng khi có ý kiến cho rằng: “Cùng viết về đề tài đất nước và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng hai tác phẩm Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Việt Bắc (Tố Hữu) lại là hai thế giới hình tượng riêng, giọng điệu riêng, chứa đựng khí phách riêng của mỗi hồn thơ”.

Thân bài: Phân tích nét riêng trong tác phẩm Đất nước và Việt Bắc

Có một nhà triết gia đã từng nói: “Kẻ nào không yêu quê hương họ, họ chẳng thể yêu cái gì cả”. Đúng vậy! Nếu không biết nhớ quê hương thì bất cứ ai trong cuộc đời này – dù thành công đến đâu – cũng chỉ là một con người tầm thường “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Cũng như bao người con khác của dáng hình chữ S mềm mại, Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi gắn bó tha thiết và biết ơn sâu nặng với đất nước, quê hương. Bởi thế Việt Bắc – được hoàn thành trong không khí lịch sử của cuộc chia tay giữa cán bộ kháng chiến và đồng bào Việt Bắc, Đất nước là kết quả của 7 năm thai nghén, xuất hiện đã khẳng định tình yêu đó. Nhưng tình yêu cao quý ấy không giống nhau bởi nhận định trên đã nêu bật rằng: Hai tác phẩm là hai thế giới nghệ thuật riêng. Vậy thế giới hình tượng là gì? Đó phải chăng là những khách thể đời sống (sự vật, hiện tượng) được người nghệ sĩ phản ánh một cách nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Nếu hiểu được như vậy thì đất nước chính là thế giới hình tượng của hai tác phẩm mà các nhà thơ đã kỳ công xây dựng. Không chỉ dừng lại ở đó, ý kiến trên còn khẳng định hai bài thơ có giọng điệu riêng – tức là cách hiểu thị thái độ, tâm trạng, cảm xúc nhất định và khí phách riêng – nỗi niềm tâm sự, ý tưởng của nhà thơ. Như vậy, nhận định trên vừa nhấn mạnh điểm tương đồng của Việt Bắc Đất nước vừa khái quát những nét độc đáo riêng của hai tác phẩm. Đối với bạn đọc yêu văn chương thì đó là vẻ đẹp, sức hấp dẫn kỳ diệu mà họ phải cất công khám phá ở ba bài thơ.

Trước hết, nhận định của nhà phê bình lý luận văn học đã khẳng định “Cùng viết về một đề tài” tức là hai tác phẩm có điểm tương đồng giống nhau. Đề tài mà họ chọn đó là đất nước và nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đề tài ấy vốn rất quen thuộc. Bởi từ xưa đến nay, đọc bất kỳ văn học sử về một giai đoạn, thời kỳ lịch sử nào, độc giả cũng thấy được cảm hứng xuyên suốt trong các tác phẩm là cảm hứng về đất nước. Hơn thế nữa, đặt trong hoàn cảnh chung của cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện chống thực dân Pháp, đề tài đất nước chính là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, bảo vệ độc lập dân tộc Việt Nam. Cho nên, viết về đề tài này, hai nhà thơ lại có dịp bày tỏ nỗi niềm của lòng mình đối với quê hương đất nước một cách gắn bó sâu nặng.

Trước hết, thế giới hình tượng trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi được cảm nhận chủ yếu ở chiều kích của không gian và thời gian. Đó là không gian và thời gian của mùa thu Hà Nội trong hoài niệm:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may.

Thời gian được nhà thơ thông báo “sáng” nhưng lại là buổi sáng chớm lạnh rất đặc trưng của mùa thu. Từ chớm diễn tả rất chính xác cái lại đầu thu. Cái se lạnh dịu dàng đầu mùa này như tín hiệu báo thu đã về. Thu về “trong lòng Hà Nội” chứ không phải “trên phố phường Hà Nội”. Không gian thiêng liêng ấy phải chăng cũng có hồn, cũng biết cảm nhận, bâng khuâng nghe lòng buồn man mác mỗi độ thu về. “Lòng Hà Nội” buồn hay chính con người cũng đang man mác khi biết mình sắp phải xa những gì gần gũi, thân yêu nhất. Những con phố dài vắng lặng dường như chỉ có là và gió. Từ láy “xao xác” kết hợp với cách sắp xếp từ bằng biện pháp đảo ngữ đã thể hiện cảm nhận tinh tế của Nguyễn Đình Thi. “Hơi may” vốn là ngọn gió nhẹ của mùa thu và ở thời điểm chớm thu, tác giả nghe thấy “xao xác” rồi mới nhận thấy hơi may.

Chính vì vậy, đó vừa là âm thanh thực trong lòng Hà Nội, vừa là tiếng lòng xao xuyến, bâng khuâng mỗi độ thu về của con người. Tác giả đã cảm nhận đất nước rất đẹp trong mùa thu Hà Nội. Đặc biệt, hình tượng đất nước trong mối quan hệ với mùa thu Hà Nội càng trở nên đẹp đẽ khi con người xuất hiện:

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Con người được khắc họa không phải đang trầm tư suy ngẫm trước vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội mà đã được nhà thơ khắc học trong tư thế “ra đi”. Gắn bó cuộc đời mình với cuộc kháng chiến cứu nước đầy gian khổ, vì độc lập tự do của Tổ quốc, con người đất kinh kỳ quyết tâm rời bỏ mọi ràng buộc, lưu luyến để ra đi. Nhưng đằng sau quyết tâm ấy còn có biết bao nhiêu nỗi niềm. Con người lý trí quyết ra đi nhưng còn con người của tình cảm thì sao? Có ai trong cuộc đời này là không thể yêu quê hương, gắn bó với mảnh đất nơi mình đã khôn lớn, trưởng thành. Con người Hà Nội cũng vậy. Dù “đầu không ngoảnh lại” những nỗi niềm của họ vẫn vương vấn. Đằng sau lương “người ra đi” là mùa thu nên thơ, trong trẻo của Hà Nội, là thềm nhà vắng với từng chiếc lá vàng rơi, vàng rơi trong nắng. Câu thơ “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” cứ đi chậm dần, khép lại sự hồi tưởng trong quá khứ và chuẩn bị cho sự nổ tung của cảm xúc. Về mùa thu hiện tại, đó là hình tượng đất nước trong mùa thu ở chiến khu Việt Bắc:

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi.

“Mùa thu na” là mùa thu của 1945 – thời điểm ghi dấu sự trưởng thành của đất nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ; Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Phải chăng vì thế mà mùa thu ở chiến khu Việt Nam không còn buồn, thấm đượm nỗi buồn của một cuộc chia tay mà tươi vui, đổi khác. Hình ảnh thơ từ đường phố Hà Nội chật hẹp, bị chiếm đóng bỗng bay ra không gian rộng lớn của chiến khu Việt Bắc:

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha.

Thay cho những chiếc lá vàng rơi trước thềm nhà vắng là hình ảnh những lá tre tung bay phấp phới trong gió mới. Đó là cái ríu rít vẫy mừng của từng tre hay niềm phấn khởi lạc quan của con người. Có lẽ là cả hai. Cho nên niềm vui ấy lại được nhân lên gấp bội. Cả trời thu như khoác trên mình chiếc áo mới trẻ trung, tươi sáng. Và con người xuất hiện ở mùa thu nay không còn là những “người ra đi” nữa mà tất cả mọi người đang mở lòng với cuộc đời, đang “nói cười thiết tha” trong niềm vui sướng, náo nức giữa núi đồi tự do, núi đồi lộng gió của thời đại. Nhưng để có được niềm vui và sự tự do, đất nước đã phải trải qua đau thương chiến đấu:

Từ những năm đau thương chiến đấu

Đã ngời lên nét mặt quê hương

Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu

Đã bật lên những tiếng căm hờn

Những gốc lúa, bờ tre, những con người Việt Nam thuần hậu, chất phác chỉ biết yêu thương. Nhưng khi bị chà đạp, chèn ép cũng trở nên quyết liệt vô cùng. Tiếng thét của lòng căm hờn đã làm nên bản anh hùng ca trong chiến đấu, hy sinh:

Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng.

Đó là những con người cần cù, chất phác khoác lên mình tấm áo lính. Họ đã ôm đất nước vào lòng và đứng dậy để bảo vệ đất nước ấy. Không ai nhớ mặt đặt tên nhưng chính những người chiến sĩ ấy đã làm nên lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Và đỉnh cao trong cảm nhận về đất nước của Nguyễn Đình Thi:

Nước Việt Nam từ trong khói lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

Từ bùn lầy của nghèo nàn, lạc hậu, cả dân tộc ta đã đứng lên làm nên thiên thần thoại lịch sử bằng chính lòng dũng cảm của mình. Từ bùn lầy đen tối. Việt Nam đã đứng lên và tỏa sáng. Đó là ánh sáng của niềm tin, sự quyết tâm chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Câu thơ mang âm hưởng sử thi tạo nên sự ngân nga, vang vọng, khẳng định hơn bao giờ hết: hình tượng đất nước trong Đất nước của Nguyễn Đình Thi rất đẹp trong không gian, thời gian và trong chiến đấu.

Để thể hiện thành công hình tượng đất nước, Nguyễn Đình Thi đã sử dụng giọng điệu rất linh hoạt. Đó là giọng trầm lắng, bâng khuâng khi nói về mất mát của nhân dân, đất nước:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều.

Thể thơ thất ngôn với cách ngắt nhịp 4/3 truyền thống tạo nên giọng điệu trữ tình, sâu lắng, diễn tả nỗi đau đớn tột cùng của nhà thơ khi quê hương bị tàn phá. Tác giả đã sử dụng thủ pháp ngược sáng của điện ảnh và nhiếp ảnh để làm nổi bật sự tương phản gay gắt. Trong ánh chiều tà, hàng dây thép của giặc tua tủa lên như đâm nát cả bầu trời, bóng chiều hắt xuống làm cho những cánh đồng đỏ rực như đang rỉ máu. Từ góc chụp bất ngờ, hai chữ “đâm nát” như cứa vào tâm hồn người đọc một nỗi đau nhói buốt, xót xa. Đau đớn là vậy nhưng khi viết về một đất nước vùng lên, giọng điệu của Đất nước lại rất sôi nổi, hào hùng, đậm chất sử thi:

Súng nổ rung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam từ khói lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

Bốn câu thơ với thể sáu tiếng, nhịp đều đặn, dồn dập tạo âm hưởng đĩnh đạc và hùng tráng như đúc lại một khối, khắc tạc nên bức tượng đài hùng tráng về đất nước và con người Việt Nam.

Hình tượng đất nước còn được khám phá trong gian khổ, đau thương và cả sự mất mát. Đó không phải là sự bi lụy, tồi tàn mà là vẻ đẹp mang sức sống kỳ diệu, mang tầm vóc tráng lệ, hùng vĩ.

Bát cơm chan đầy nước mắt

Bay còn giằng khỏi miệng ta

Thằng giặc tây thằng chúa đất

Đứa đè cổ, đứa lột da.

Bát cơm của người nông dân có được phải đổi bằng bao giọt mồ hôi nước mắt. trong bát cơm ấy là vị mặn chát, chua cay của sự vất vả. Vậy mà cũng bị giặc cướp mất. Người nông dân phải chịu cảnh “một cổ hai tròng” nhưng sự dã man, tàn bạo ấy không thể khuất phục được ý chí của đất nước Việt Nam.

Xiềng xích chúng bay không khóa được

Trời đầy chim và đất đầy hoa

Súng đạn chúng bay không bắn được

Lòng dân ta yêu nước thương nhà.

Và càng về sau, nhận thức về đất nước càng “chín” hơn trước suy nghĩ của Nguyễn Đình Thi. Bằng sự trải nghiệm của toàn dân tộc và sự trải nghiệm của chính bản thân mình, nhà thơ đã khái quát cao độ sự hy sinh của đất nước, dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp:

Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội

Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh.

Gian khổ nhiều mà hy sinh cũng lắm, cái giá phải trả cho sự thắng lợi càng mang ý nghĩa lớn lao. Nhưng đất nước Việt Nam vẫn vượt qua với niềm vui, sự lạc quan tin tưởng:

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Hình ảnh thơ vừa cuồn cuộn suy tư, vừa bát ngát chất thơ, được tác giả viết nên thật ấn tượng bởi sự xuất hiện của hệ thống các động từ, tính từ cùng biện pháp đảo ngữ và thủ pháp cường điệu. Nếu ở những đoạn thơ đầu, Nguyễn Đình Thi dùng những liên tưởng để bắc nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại thì đến đây, hiện tại lại tiếp tục bắc cầu vào tương lai. Cảm nhận về đất nước đã được ký thác trong một nỗi niềm riêng, ẩn chứa khí phách riêng mà chỉ Đất nước mới có được. Giá trị của bài thơ bởi vậy mà càng tỏa sáng trong không gian, thời gian để đến với tâm hồn mỗi người đọc.

Cùng viết về đề tài đất nước nhưng không giống với Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu lại xây dựng nên một thế giới hình tượng độc đáo, riêng biệt. Hình tượng đất nước trong đoạn trích Việt Bắc chính là bức tranh thiên nhiên cuộc sống con người và những hoạt động sôi nổi của kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc. Trong bộn bề ký ức và hoài niệm, Tố Hữu luôn đành một vị trí đặc biệt cho cảnh sắc thiên nhiên Việt Bắc. Nhưng bức tranh ấy không ảm đạm mà giàu sức sống bởi có những hoạt động của con người cần cù, chất phác:

Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi

Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng

Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang

Ve kêu rừng phách đổ vàng

Nhớ cô em gái hái măng một mình

Rừng thu trăng rọi hòa bình

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.

Ấn tượng sâu đậm trong nỗi nhớ của người về xuôi là bức tranh mùa đông với màu xanh bạt ngàn của núi rừng và nét đỏ tươi của hoa chuối; mùa xuân với màu hoa mơ trắng xóa cả núi rừng; mùa hạ với màng vàng của rừng phách đổ lá, mùa thu với ánh trăng huyền ảo trải dài khắp núi rừng. Nhờ đó mà bức tranh tứ bình của nghệ thuật truyền thống phương Đông đạt tới sự hài hòa, cân đối ở cả hai mảng xa và gần. Mảng xa là thiên nhiên, mảng gần là hình ảnh con người hòa quyện vào nhau trong nỗi nhớ của người ra đi. Đó là hình ảnh người lên nương với con dao đi rừng chói sáng ánh mặt trời. Đó là hình ảnh người đan nón cần mẫn chuốt từng sợi giang. Đó là hình ảnh cô thiếu nữ hái măng trong rừng vàng. Phải chăng trong ký ức của nhà thơ, bốn mùa Việt Bắc đều đẹp nên màu sắc trong bức tranh thiên nhiên đã trở thành màu sắc riêng của nỗi nhớ. Nhưng có lẽ, để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong ký ức của con người cán bộ kháng chiến đó là tiếng hát ân tình thủy chung. Tiếng hát ấy băng qua không gian trùng điệp của núi rừng, vượt qua biển cả mênh mông của thời gian để vương vấn bước chân người đi. Điệp từ “nhớ” lặp lại nhiều lần trong đoạn thơ đã khẳng định điều đó.

Hình tượng đất nước trong Việt Bắc không dừng lại ở việc tác giả tái hiện cảnh sắc và cuộc sống con người Việt Bắc mà còn được khắc họa qua những hoạt động kháng chiến sôi nổi.

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Khung cảnh của chiến khu Việt Bắc được mở ra bởi không gian của những “con đường” và thời gian của “đêm đêm”, “nghìn đêm”. Cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của đất nước đã được tái hiện bằng những hoạt động kháng chiến sôi nổi. Ấn tượng trong hoài niệm của Tố Hữu đó là hình ảnh đoàn quân ra mặt trận “điệp điệp, trùng trùng”. Nghệ thuật tách từ một cách tài hoa đã giúp nhà thơ biểu đạt ý chính xác. Còn từ ngữ nào có thể diễn đạt sức mạnh đoàn kết, phi thường hơn từ ngữ ấy. Nó vừa diễn tả vẻ đẹp hùng dũng bề ngoài, vừa miêu tả sức mạnh quật cường bên trong. Người lính không chỉ làm bạn với súng đạn mà tâm hồn họ còn hướng tới những vẻ đẹp lãng mạn. Hình ảnh “ánh sao đầu súng” không phải là hình ảnh mới bởi bạn đọc đã bắt gặp trung Đồng chí của Chính Hữu nhưng vẫn có sức lay động kỳ lạ đối với phẩm chất tâm hồn dân tộc trong mỗi con người Việt Nam.

Sáng tác Việt Bắc bằng thể thơ lục bát truyền thống và sử dụng kết cấu “ta – mình” quen thuộc của ca dao, dân ca nên giọng điệu trong đoạn trích Việt Bắc nói riêng và cả bài thơ Việt Bắc nói chung đều mang âm hưởng ngọt ngào, tha thiết:

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân ly

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay.

Hình ảnh “cầm tay nhau” gợi nhiều cách hiểu. Có thể hiểu nỗi buồn biệt ly quá lớn không thể nói nên lời hoặc người ra đi và người ở lại có quá nhiều điều muốn nói không biết nói được gì trước. Nhưng dù hiểu theo cách nào thì hình ảnh vẫn mở ra khung cảnh chia tay lưu luyến, bịn rịn, thấm đượm nỗi buồn chia li muôn thuở.

Nguyễn Đình Thi tự hào khi khám phá hình ảnh đất nước và con người quật khởi, kiên cường trong gian khổ chiến tranh thì Tố hữu lại gửi gắm ân tình, nghĩa tình sâu nặng của người ra đi và người ở lại. Trước hết, người ở lại băn khoăn, trăn trở về tình cảm của người ra đi với chiến khu Việt Bắc:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Về với cuộc sống mới bao “cám dỗ” mới, người ra đi liệu có còn nhớ Việt Bắc trong 15 năm kháng chiến gian khổ, đã từng “bát cơm chấm muối, mối thù nặng vai”. Từ đó, đồng bào Việt Bắc gợi nhắc ân tình, đạo lý sống thủy chung:

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn.

Núi rừng là quê hương của cây, nguồn là nơi bắt đầu dòng chảy của mỗi con sông. Bởi vậy, nói đến nhớ núi, nhớ nguồn chính là nói đến nỗi nhớ quê hương cách mạng và ngọn nguồn cách mạng.

Đáp lại lời của người ở lại, người ra đi khẳng định nỗi nhớ của mình đối với chiến khu Việt Bắc.

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăn lên đầu núi nắng chiều lưng nương.

Cảm xúc dâng trào mãnh liệt, thiết tha đã được cụ thể hóa qua hình ảnh so sánh “nhớ gì như nhớ người yêu”. Đó là nỗi nhớ hướng về một đối tượng cụ thể, xác định và ẩn chứa nỗi niềm đang dâng đầy khôn tả. Nỗi nhớ ấy cũng cháy bỏng, da diết như nỗi nhớ của đôi lứa yêu nhau. Đồng nhất nỗi nhớ chiến khu Việt Bắc với nỗi nhớ trong tình yêu là một so sánh mới lạ, thể hiện rõ phong cách nghệ thuật thơ Tố Hữu: thơ ông tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Cuộc chia tay lịch sử giữa đồng bào Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến được thể hiện bằng giọng văn trữ tình thiết tha. Qua đó, diễn tả tình cảm chân thành, sâu nặng mà người ra đi dành tặng người ở lại. Và đỉnh cao của nỗi nhớ ấy:

Mười lăm năm ấy, ai quên

Quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa.

Việt Bắc trở thành đầu mối quy tụ tư tưởng, tình cảm của nhà thơ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Việt Bắc không còn là kỷ niệm riêng mà trở thành biểu tượng của niềm tin và hy vọng. Việt Bắc bình dị – qua ân tình sâu nặng của Tố Hữu – đã trở thành Việt Bắc thiêng liêng. Không ai có thể quên chạm khắc trong tâm khảm của mình.

Như vậy, đoạn trích Việt Bắc với hình tượng riêng, giọng điệu riêng, khí phách riêng đã tạo nên sự khác biệt độc đáo trong cảm nhận về đề tài đất nước quen thuộc, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả về một bài thơ đậm đà tính dân tộc.

Kết luận: Phân tích nét riêng trong tác phẩm Đất nước và Việt Bắc

“Thơ là hiện thực hình qua lăng kính của cái tôi trong những khoảnh khắc cụ thể” qua không sai. Đất nước là một đề tài rất quen thuộc và đã được nhiều cây bút tài năng khám phá. Nhưng qua lăng kính của họ, đề tài ấy lại được tìm hiểu ở nhiều phương diện khác nhau. Đất nước và Việt Bắc cũng vậy. Hai bài thơ là hai thế giới hình tượng riêng, hai giọng điệu riêng và hai khí phách riêng làm nên một Nguyễn Đình Thi không ai có thể thay thế và một Tố hữu đơn phương, độc nhất trong văn học hiện đại Việt Nam. Tuy nhiên, những nét riêng ấy không hề đối lập hay loại trừ nhau mà cùng bổ sung cho nhau, làm phong phú hơn vẻ đẹp của thơ ca viết về ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam. Không bao giờ biến mất mà tồn tại vững bền trước thời gian.

Ôi Đất nước sau 4000 năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta.

Đất nước lịch sử và con người lịch sử đã hóa thân vào sông núi Việt Nam. Nhưng những chiến công mà họ đã làm ra sẽ còn mãi trong những ánh thi văn bất hủ và được truyền tụng muôn đời.

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *