
Đề bài: “Nói đến nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp là một cái gì cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả. Có khi nhà văn tả một cái xấu, một tội ác, một tên giết người, nhưng cách nhìn, cách miêu tả cái đó phải cao cả” (Nguyễn Đình Thi).
Bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ bằng việc phân tích một số tác phẩm văn học
NỘI DUNG TÓM TẮT
Mở bài: Phân tích ý kiến “Nghệ thuật là sự cao cả của tâm hồn”
Na-pô-lê-ông – nhà quân sự đại tài đã từng thú nhận rằng: Sức mạnh của ngòi bút cuối cùng sẽ chiến thắng sức mạnh của thanh gươm. Vua Phổ từng nhắn nhỏ với Mooda – người “tiêu biểu cho cái đẹp”: “Rồi đây hậu thế sẽ quên ta mà nhắc nhớ đến ngươi”. Vì đâu những cây bút, bàn đàn ấy lại có sức mạnh để băng qua dòng chảy của thời gian, trường tồn cùng nhân loại? Có phải sức mạnh tỏa ra từ chính tâm hồn của nghệ sĩ, từ những điều thánh thiện, lớn lao mà họ gửi tới tác phẩm của mình sau bao nỗ lực kiếm tìm và khám phá? Nghệ thuật mãi còn khi người nghệ sĩ còn giữ cho mình một “thiên lương”, một cái nhìn trong sáng. Có lẽ cũng vì thế mà Nguyễn Đình Thi đã có lần khẳng định: “Nói đến nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp là một cái gì cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả. Có khi nhà văn tả một cái xấu, một tội ác, một tên giết người, nhưng cách nhìn, cách miêu tả cái đó phải cao cả”.
Thân bài: Phân tích ý kiến “Nghệ thuật là sự cao cả của tâm hồn”
Là người đã trải nghiệm nhiều trong nghề viết, thậm chí phải trả giá nhiều vì nghề viết, hơn ai hết ông hiểu rằng: Thế nào là nghệ thuật chân chính. “Nghệ thuật” được nói đến ở đây là một lĩnh vực hoạt động của đời sống tinh thần bao gồm nhiều bộ môn: điêu khắc, hội họa, sáng tác văn chương, điện ảnh, dân khấu… nhằm phát huy khả năng sáng tạo của con người đồng thời đem đến cho con người những rung động thẩm mĩ. Tuy nhiên, “nghệ thuật” trong ý kiến của Nguyễn Đình Thi cũng có thể hiểu là sáng tác văn chương – một sản phẩm tinh thần của nhà văn đạt đến độ tinh chất mà nói đến nó là nói đến “sự cao cả của tâm hồn”. Bàn về “nghệ thuật”, Nguyễn Đình Thi đồng thời cũng bàn về cái đẹp – một thuộc tính của sáng tác văn chương: “Đẹp tức là một cái gì cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả”. Hai tiếng “Cao cả” được láy lại ba lần qua ba mệnh đề và đều mang một ý nghĩa là chỉ sự đẹp đẽ, lớn lao, trong sáng, thánh thiện của tâm hồn con người. Đẹp là cái đích hướng tới của nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng. bàn về “nghệ thuật: và cái đẹp Nguyễn Đình Thi đều nhắc đến “sự cao cả của tâm hồn”, đây là một lời định nghĩa nhưng cũng là một cách đề cao giá trị của nghệ thuật, cái đẹp. Đi sâu hơn, ông tiếp tục khẳng định: “có khi nhà văn tả một cái rất xấu, một tội ác, một tên giếng người, nhưng cách nhìn, cách miêu tả cái đó phải cao cả”. Có thể thấy, sức nặng của nhận định được dồn vào vấn đề “cách nhìn”. Một mặt, nói đến “nghệ thuật”, Nguyễn Đình Thi khẳng định giá trị của một tâm hồn cao thượng, trong sáng. Song cao hơn thế, ông còn yêu cầu “nghệ thuật” hay chính nhà văn phải tìm ra sự cao thượng trong sáng của tâm hồn qua “một cái xấu, một tội ác, một tên giết người” bằng cách tiếp cận đối tượng đúng đắn, sâu sắc và đầy trân trọng hay nói cách khác đi là phải “miêu tả” nó một cách “cao cả”. Nhận định của Nguyễn Đình Thi bàn về nghệ thuật, cái đẹp nhưng xét đến cùng là đặc ra vấn đề “cách nhìn”, cách “miêu tả” có ý nghĩa sống còn của nhà văn. Theo ông, nghệ thuật phải hướng đến cái đẹp, cái “cao cả” nhưng không phải là cái đẹp, cái cao cả ở bề mặt hiện tượng mà quan trọng là nhà văn phải có cách nhìn sâu sắc, cách miêu tả chân xác, phù hợp để tìm ra cái đẹp đích thực của đối tượng. Nói cách khác đi, Nguyễn Đình Thi đặt ra yêu cầu về cách nhìn và cách viết để nhận ra chân giá trị của đối tượng. Cho hay đây cũng là điều trở trăn muôn thuở của các thế hệ nghệ sĩ.
Nghệ thuật muôn đời được sinh ra để hướng con người tới chân – thiện – mĩ. Nằm trong quy luật đó văn chương sinh ra để “thanh lọc” thế giới tâm hồn của con người nên nói đến nghệ thuật văn chương Nguyễn Đình Thi khẳng định “là nói đến sự cao cả của tâm hồn” và điều tất yếu. Văn chương đâu phải là thứ “nghề chơ” như ai kia lầm tưởng, lại càng không phải là trò giải trí đem đến những khoái cảm tầm thường. Văn chương là thứ “khí giới thanh cao” để làm “lòng người sạch hơn, phong phú hơn” (Thạch Lam). Thế nên “sự cao cả của tâm hồn” ở đây là tâm hồn nhà văn cũng như tâm hồn của đối tượng nhà văn miêu tả. Là một thuộc tính của văn chương, cái đẹp cũng không nằm ngoài quy luật đó. “Không có cái đẹp, không thể và không bao giờ có tác phẩm nghệ thuật (Bê-lin-xki) nhưng để làm nên tác phẩm nghệ thuật chân chính, bản thân cái đẹp cũng phải mang sự “cao cả của tâm hồn” cũng phải là hiện thân cho những giá trị tinh thần thánh thiện, trong sáng.
Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là đối tượng mà văn chương hướng tới là hiện thực cuộc đời với biết bao khổ đau và gió bụi. Không phải mảnh đất nào văn chương đặt chân đến khám phá cũng màu mỡ và đầy cỏ hoa. Mang trong mình chức năng thẩm mỹ liệu văn chương có quyền thi vị hóa những “cái xấu nhất” những “tội ác, tên giết người” kia hay không? “Niềm vui của nhà văn chân chính là người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp” và có phải vì thế mà nhà văn có quyền gạt bỏ những cái xấu xa kia ra ngoài trang sách? Nhưng không, cái đẹp là rất hiếm nhưng nó không là sở hữu của riêng ai, của bất cứ đối tượng nào mà ở đâu có sự sống ở đó có cái đẹp” (Séc-nư-sép-xki). Điều quan trọng là nhà văn phải biết phá vỡ lớp vỏ của bề mặt hiện tượng để đi vào thế giới bên trong và viết về nó với một thái độ trân trọng, một hình thức đẹp. Viết về cái xấu không có nghĩa là trang văn sẽ vắng bóng cái đẹp mà trái lại nhận ra cái xấu “nâng nó lên để mà sửa chữa” như cách nói của Victo Huygô thì đó lại là những trang văn đánh động sâu xa xúc cảm thẩm mĩ trong lòng người đọc. Nếu những trang văn viết về cái xấu được viết bằng một hình thức đẹp, cái xấu được nhìn bằng góc độ thẩm mỹ thì đó là những trang văn giàu giá trị thẩm mĩ. Sê-khốp đã viết Phòng số 6 với tất cả dao kéo, bông băng; Lỗ Tấn đã viết Nhật ký người điên với những dòng tâm tư hầu như cực đoan, điên loạn nhưng chưa ai phủ nhận giá trị thẩm mỹ của những trang văn có sức lay tình con người sâu sắc ấy. Thơ Hồ Xuân Hương đi chênh vênh giữa đôi bờ thanh – tục, tưởng đã có lúc trở thành thứ “thơ ma, thơ quỷ” phi thẩm mĩ. Nhưng rồi bà vẫn viết về “cái quạt, quả mít, con ốc nhồi” mà cái xã hội lúc bấy giờ cho là “rất xấu” rất tục ấy bằng một bản tình tự tin dạy cho con người viết nhìn thẳng vào hiện thực cuộc đời với những nhu cầu, khát khao vô cùng nhân bản. Kiệt tác Truyện Kiều – tập đại thành của nghệ thuật thơ ca Việt Nam xét đối tượng cũng là trang thơ viết về cô gái “làng chơi” “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”. Một đối tượng cũng có thể coi là “rất xấu”. Thế nhưng điều đọng lại sau cũng vẫn là “sự cao cả” của tâm hồn. Nguyễn Du biết nhìn sâu vào thế giới tâm hồn Kiều mà nhận ra những “hạt ngọc” sáng trong, cao thượng. Và sau này Nguyễn Tuân cũng đã ca ngợi Bát Lê – tên đao phủ nghệ sĩ, đề cao một tên giết người và ngợi khen tài năng của một tên ăn cắp: “một thằng kẻ cắp cũng rất đẹp khi có cắt túi người ta rất nhanh, rất gọn”. Như thế đi vào văn chương bản thân đối tượng chưa mang thuộc tính là đẹp hay xấu. Điều quan trọng là nhà văn phải biết “lấy hồn mình để hiểu hồn người” (Thạch Lam), có một cái nhìn sâu sắc để tìm ra hạt ngọc ẩn sâu trong tâm hồn con người. Cách nhìn ấy được phản ánh qua những trang văn đẹp, đầy trân trọng trong từng câu chữ sẽ dẫn người ta dẫn tới ‘sự cao cả của tâm hồn”.
Nếu trong ngành khoa học, người kỹ sư “chưng cất” trí tuệ, kinh nghiệm lên để tìm ra định luật, định lý, thì trong văn chương người nghệ sĩ cũng phải “chưng cất” tâm hồn và tài năng mà viết lên câu chữ. Đối tượng của văn học tự nó không hẳn là đẹp hay xấu mà điều quan trọng là nhà văn đã nhìn nhận và miêu tả nó ra sao. “Văn chương ra đời để khám phá những bí ẩn của tâm hồn” (Pau-tốp-xki) đồng thời văn chương cũng kiếm tìm cái đẹp. Song, cũng sẽ là một thách thức lớn đối với nhà văn khi đối tượng của anh ta là một kẻ xấu xa đã đánh mất đi thiện cảm, mất đi tính người cao quý. Viết về Chí Phèo, Nam Cao phải đối diện với thách thức đó Chí Phèo là ai? Là một cái “định nghĩa” về sự xấu xa hung bạo, là con quỷ “của làng Vũ Đại, là kẻ đập nát bao cảnh yên vui” của bao người lương thiện. Chí Phèo không chỉ mang bộ mặt “quỷ” văn ngang, vằn dọc những sẹo mà còn mang một tâm tính “quỷ”. Nhưng nếu viết về hắn, Nam Cao chỉ xoay quanh chuyện hắn say rồi rạch mặt ăn vạ thì Chí Phèo hắn sẽ không bao giờ được coi là một kiệt tác viết về người nông dân. Nếu NgooTaats Tố, Nguyễn Công Hoan luôn tìm đến với môtíp nhân vật “bảo tồn nhân tính”, vận động về số phận nhưng hoàn toàn đứng yên về tính cách thì Nam Cao lại tự đặt mình trước một khó khăn khi khám phá thế giới nội tâm Chí Phèo – một nhân vật lưỡng hóa. Chí Phèo tỉnh, Chí Phèo không say – ai đó đã nói thế. Và sự thật cuộc đời Chí có thể say tràn từ cơn say này sang cơn say khác, cơ thể mất đi ý thức là chủ nhưng tuyệt nhiên Chí không phải là một cách đơn nhất. Hãy lắng nghe tiếng chửi của Chí mà xem. Đó phải chăng là “tiếng hát lộn ngược của một tâm hồn méo mó? Chao ôi giá như Chí viết hát thì cũng đỡ khổ cho Chí và cho dân làng Vũ Đại. Nhưng không biết hát thì Chí chửi. Tiếng chửi – thứ ngôn ngữ người ta vốn sử dụng như một thứ vũ khí phòng về – giờ lại bắt gặp một Chí Phèo sử dụng như phương tiện giao tiếp chính thống. Tiếng chửi ngày càng gay gắt, ngày càng “động chạm” kia hóa ra lại là sản phẩm của một khát khao giao tiếp ngày càng mãnh liệt, tha thiết. “Chẳng ai ra điều”, chỉ có Chí Phèo cùng ba cho chó dữ “Thế có phí rượu không” Thế thì có khổ cho hắn không?”. Nam Cao đã nhập vào thằng say kia để cất lên những tiếng rủa và cũng là những tiếng than đầy tủi hờn, uất hận. Chí khát khao giao tiếp dù cái phương tiện giao tiếp kia có vẻ điên loạn, dữ dội và gàn ghề” (Nguyễn Tuân). Nhưng càng khao khát bao nhiêu Chí càng đau đớn trước bức tường ghẻ lạnh bấy nhiêu. Họ có để ý đến hắn đâu, họ chỉ coi hắn là “con quỷ”, là “sinh vật” quen thuộc mà không hề muốn viết. Chỉ còn Nam Cao vẫn lắng nghe nỗi đau của một tên ra tù vào tội, một “tên giết người”. Viết về “tội ác” của Chí Phèo đấy nhưng Nam Cao đã viết những câu văn đầy tri ân, chiêu tuyết mong cứu vãn linh hồn cho Chí: “Hắn có biết gì đây, hắn làm tất cả những việc đó trong lúc say”. Nam Cao không thể đem đến cho Chí Phèo một lý lịch trong sạch nhưng bằng nhưng bằng nhìn đầy cảm thông chia sẻ, Nam Cao đã chứng minh cho Chí Phèo không phải là một định nghĩa về sự xấu xa – một biểu tượng về nỗi khổ đau của người nông dân trong chế độ cũ. Để làm được điều đó, Nam Cao không viết theo lối ngoại diên sơ sài mà đi sâu khai thác những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật. Thế nên trong tâm lý một thằng say, Nam Cao vẫn nhận ra một ý thức tỉnh táo – tưởng Chí đã “tan hoang cái tâm người” (Nguyễn Tuân) nhưng ẩn đằng sau bộ mặt “quỷ dữ” vẫn là một khát khao lương thiện. Chí muốn trở về với xã hội “bằng phẳng và lương thiện” của con người, đến cái dốc bên kia cuộc đời Chí đã nhận ra “sự cô đơn còn đáng sợ hơn đói rét và ốm đau”. Khi con người ta còn biết sợ sự cô đơn, thì còn biết tìm đường quay lại với cộng đồng. Khi con người còn biết khác thì bên trong tâm hồn hãy còn một “hạt ngọc” tỏa sáng. Và Chí đã khó, hắn thấy mắt hắn hình như ươn ướt. Khóc đâu phải lúc nào cũng yếu mềm. Đẹp làm sao giọt nước mắt “lương thiện” của Baxtinhác trước mộ lão Gôriô. Đẹp làm sao giọt nước mắt chan chứa tình phụ tử của lão Hạc. Giọt nước mắt của Chí long lanh tình người bởi nó xuất phát từ nơi xúc động trước tình người nơi thị Nở. Nam Cao đã biết lắng nghe và chờ đợi – chờ đợi một lúc nào đó Chí Phèo tỉnh nghệ và dứt cơn say. Tình người đã đánh thức tính người trong Chí. Ai còn bảo Chí là một thằng say chuyên đời ăn vạ, một tên sát nhân, một con “quỷ dữ”? Chỉ còn đó một con người Chí Phèo với những khát khao bình thường mà đẹp đẽ. Chí đã sắp chạm đến hai chữ con người “kiêu hãnh và dũng tráng. Nam Cao đã dần thấy lộ ra “sự cao cả” nơi tâm hồn Chí. Những bước đi trở về lương thiện của Chí hãy còn “giật ngưỡng” như bước đi của một thằng say mà thiết bàn tay nâng đỡ sẽ dễ dàng quỵ ngã. Và sự cự tuyệt của Thị Nở đã cắt đứt con đường trở về vốn đã mong manh của Chí. Chí tìm đến cái chết – chế khi vừa kịp làm người. Nam Cao đã để nhân vật đi đến hết cuộc đời trong thế chênh vênh một bên tình một bên say, một bên là con người, một bên là con quỷ. Đồng thời viết về Chí Phèo như thế Nam Cao cũng đặt mình trong thế chông chênh: một bên là chủ nghĩa hiện thực chân chính – một bên là chủ nghĩa tự nhiên dung tục, một bên là chủ nghĩa nhân đạo cao cả – một bên là sự nhục mạ con người. Nam Cao đã đứng vững bởi gốc rễ nhân đạo rắn chắc, bởi ông đã “lấy hồn mình” mà hiểu lấy “con người bên trong con người nhân vật” để từ đó hướng người đọc đến “sự cao cả của tâm hồn”, đến cái đẹp, đến khát khao sống làm người lương thiện. Như thế với “cách nhìn” mới, cách “tiêu tả” mới đầy tâm trạng về nhân vật Nam Cao đã đem đến cho người đọc một Chí Phèo – hình tượng nghệ thuật đẹp.
Bên cạnh Chí Phèo người đọc còn biết đến một Năm Sài Gòn trong trang văn Nguyên Hồng, một nhân vật cũng có thể coi là một đối tượng xấu. Trên khuôn mặt hắn vết sẹo dài, người ta đã tưởng Năm Sài Gòn là bằng chứng của những thói mưu mô, côn đồ, cướp bóc nhưng Nguyên Hồng bằng “đôi mắt tình thương” lại nhìn thấy một Năm Sài Gòn đầy u uất, khổ đau, bất thần cất lên khúc ca than cho phận mình trong chiều ảm đạm. Hay Giăng-van-giăng – tên tội phạm dưới tận cùng xã hội hiện lên trong “cách nhìn” đầy trân trọng của V. Huygô lại trở thành một biểu tượng “cao cả” về lòng yêu thương con người trong nền văn chương nhân loại. Ai đã đọc Thằng gù nhà thờ Đức Bà hăn chưa quên Quarimodo – “sự lỡ tay của tạo hóa”. Nơi tập trung cho cái xấu của con người. Anh hiện ra như một biểu tượng của “cái xâu”: một khối lồi lõm, xù cì không vẹn nguyên một hình ảnh con người. “Khi hắn đi. Hắn là một thằng khoèo. Hắn nhìn ta. Hắn là một thằng mù” nhưng con người đã hoàn toàn mất đi “nhân hình” đáng ra phải có lại sử hữu một thứ quý giá nhất mà bao kẻ không có: đó là một tâm hồn thanh cao, thánh thiện – Quasimodo là linh hồn của nhà thờ, là người sưởi những âm thanh của chuông đồng lạnh lẽo. “Người ta chỉ xấu xa trong đôi mắt của phường ích kỷ” còn Quasimodo – một tâm hồn, một trái tim cao cả là bằng chứng hùng hồn cho những con người: “mặc bộ đồ tôi tớ mỗi tâm hồn không tôi tớ”.
Nhà văn tồn tại trên cõi đời này với sứ mệnh thiêng liêng: “nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ” đồng thời cũng phải “đem đến cho người đọc cái đẹp ở những nơi không ai ngờ tới”. Kim Lân đã làm tốt sứ mệnh đó khi đã tìm ra cái đẹp đó, sự cao cả của tâm hồn con người trong bối cảnh: không chỉ cái đẹp mà ngay cả con người cũng có nguy cơ tuyệt diệt trước nạn đói. Viết về nạn đói, Kim Lân không muốn thở than mà bằng một “cách nhìn” sâu sắc đầy cảm thông, bằng cách viết chân thành đầy trân trọng cũng nhận ra ẩn sâu trong những con người tưởng đã mất đi tất cả là một tâm hồn khao khát sống. Người vợ nhặt trong trang viết Vợ nhặt với một ngoại hình đã bị nghèo đói tàn phá, một nhân cách đã bị nhu cầu sinh tồn làm cho biến dạng tưởng đã hoàn toàn mất đi cái phần đẹp đó, “cao cả” mà tâm hồn con người đó cần có. Nhưng không, Kim Lân bằng đôi mắt tri ân đã thấy ở người phụ nữ ấy sự trơ tráo nhưng không đĩ thõa, sự đanh đá chống lại nhưng không xấu xa nanh nọc nhưng không xấu, không ác. Người phụ nữ ấy liều mình theo Tràng về làm vợ vì muốn ăn là đúng nhưng điều đó cũng chứng minh ở Thị một khát khao sống, một bản lĩnh sống. Đằng sau bộ mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai lỗ mắt sau cái vẻ trơ tráo ban đầu kia vẫn là một phụ nữ với nhu cầu sống thường tình, những khát vọng chính đáng. Cách miêu tả của Kim Lân đã hé mở cho nhân vật một cơ hội “lột xác”. Về nhà chồng, người vợ nhặt lại trở về nguyên vẹn là một phụ nữ ý tứ “ngồi mớm ở mép giường” nín nhịn biết điều khi nén tiếng thở dài trước gia cảnh nhà chồng nghèo nàn. Người phụ nữ viết lặng im và ăn cạn bát cám nghẹn đắng cũng là người vợ, người con dâu biết chấp nhận hoàn cảnh, biết sống. Kim Lân, bằng những chi tiết rất nhỏ, đã tái hiện chân dung người phụ nữ vợ nhặt tỏa sáng hạt ngọc tâm hồn ở cuối tác phẩm. Cái nhìn tỉnh táo đã đưa nhà văn đi đúng hướng tìm ra chân giá trị con người. Có một tâm hồn đẹp viết bao dung Kim Lân mới có một cách nhìn, một cách miêu tả về con người nhân hậu như thế. Và sự thực, ông đã chứng minh con người từ trong bản chất đâu phải là xấu, là điều quan trọng chỉ là cách nhìn, cách miêu tả mà thôi.
Kết luận: Phân tích ý kiến “Nghệ thuật là sự cao cả của tâm hồn”
Trên con đường văn chương đầy hứng khởi, say mê đôi khi nhà văn cũng vấp phải những thử thách, cũng đi lạc đường, chệch hướng nhưng khi có một cách nhìn đúng đắn, một ngòi bút tỉnh táo, nhà văn ấy cuối cùng cũng sẽ đến được bến bờ nghệ thuật đích thực, nghệ thuật tôn vinh sự “cao cả của tâm hồn”. Ý kiến của Nguyễn Đình Thi xét đến cùng là cách nhìn nhận về văn chương và cách nhìn của nhà văn chân chính. Văn Chương chân chính ra đời để tôn vinh chân giá trị, “sự cao cả của tâm hồn” con người và khi nào văn chương vẫn còn mang trong mình sứ mệnh cao cả ấy thì nhà văn vẫn cần một cách nhìn, một cách miêu tả đúng đắn về hiện thực cuộc sống con người.