Quan điểm của Hoài Thanh về thơ sau Cách mạng Tháng Tám

0
581

Đề bài: Nhà phê bình văn học Hoài Thanh có lần phát biểu: “Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay. Mỗi bài thơ là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn (…) cho nên đọc thơ hay tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại hoài, có lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Anh (chị) hiểu thế nào về quan niệm trên đây của Hoài Thanh. Phân tích một số bài thơ ra đời sau Cách mạng tháng Tám để làm sáng tỏ.

Mở bài: Quan điểm của Hoài Thanh về thơ sau Cách mạng Tháng Tám

Thơ mở ra trước mắt con người cả một thế giới khác mới mẻ và thú vị. Đối với người nghệ sĩ, đến với thơ là bắt đầu một cuộc hành trình vô tận vươn tới, khát khao nắm giữ cái đẹp. Đối với người đọc, thơ mở ra một chân trời đầy những vẻ đẹp diệu kỳ huyền ảo. Đọc thơ là đến với thơ, đọc thơ là để chiêm ngưỡng và khám phá con đường của người nghệ sĩ. Bàn về vấn đề này, Hoài Thanh cho rằng: “Đặc sắc mỗi nhà thơ chỉ ở trong những bài hay. Mỗi bài thơ là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn (…) cho nên đọc thơ hay tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại hoài, có lấy hồn tôi để hiểu hồn người”.

quan diem cua hoai thanh ve tho sau cach mang thang tam 2

 Thân bài: Quan điểm của Hoài Thanh về thơ sau Cách mạng Tháng Tám

Với kinh nghiệm của một nhà phê bình văn học có khả năng nhạy bén trong thẩm bình, nghiên cứu thơ và bằng kinh nghiệm của người cầm bút gắn bó và trân trọng nghề nghiệp của mình. Hoài Thanh đưa ra một ý kiến xác đáng về việc đánh giá một bài thơ hay. Trước hết, ông cho rằng: “Mỗi bài thơ hay là cánh cửa chở cho tôi đi vào một tâm hồn”. Giới hạn sự quan tâm của mình trong những “bài thơ hay”, Hoài Thanh muốn đề cập tới những thi phẩm có giá trị hoặc về nội dung hoặc về nghệ thuật bởi chỉ những bài thơ như thế mới thể hiện hết những rung động tinh tế, những tình cảm, thái độ, quan điểm của nhà thơ. Chỉ những nhà thơ có tâm hồn và tài năng mới có thể làm được những bài thơ hay. Bởi thế bài thơ hay là thước đo giá trị của một nhà thơ chân chính. “Tâm hồn” nhà thơ vốn là một bí ẩn, và bài thơ hay giống như “cánh cửa”, tức là nó gợi mở một lối đi dần vào thế giới tâm hồn phong phú, phức tạp ấy. Bằng cách nói hình tượng, Hoài Thanh khẳng định khám phá thơ cũng chính là tìm hiểu tâm hồn một con người. Cũng như Hàn Mặc Tử quan niệm “Người thơ phong vận như thơ ấy”, Hoài Thanh cho rằng thơ kết tinh những gì cao đẹp nhất trong tâm hồn con người. Không dừng lại ở đó, ông còn nhắc đến nhiệm vụ của người đọc, của nhà nghiên cứu văn học: “Cho nên đọc thơ hay tôi triền miên trong đó. Tôi ngâm đi ngâm lại hoài, cố lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. “Triền miên trong đó”, “ngâm đi ngâm lại” là thái độ con người viết trân trọng cái đẹp. Đấy cũng là con đường đến với một tác phẩm hay. Muốn hiểu những gì nhà thơ muốn gửi gắm, người đọc phải tìm hiểu, khám phá thật kỹ càng. Điều quan trọng nhất trong quá trình gian nan ấy là sự tri âm “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. “Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, là tiếng nói đồng chí… Thơ là một điệu hồn đi tìm một hồn đồng điệu” (Tố Hữu). Chỉ khi tâm hồn người đọc bắt nhịp được những suy nghĩ, cảm xúc của nhà thơ thì bài thơ mới phát huy được hết vẻ đẹp của nó. Chính vì vậy “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” còn là tuyên ngôn được duy trì thực hiện trong suốt cuộc đời cầm bút của Hoài Thanh. Đây cũng là con đường tiếp nhận đúng đắn, là điều kiện lý tưởng để hiểu một bài thơ hay.

quan diem cua hoai thanh ve tho sau cach mang thang tam 3

Quan niệm của Hoài Thanh xuất phát từ đặc trưng của thơ ca. “Thơ là tiếng lòng” (Diệp Tiếp). Thơ là tiếng nói xuất phát từ tâm hồn người nghệ sĩ. Thơ là khí những tâm tư, tình cảm, tư tưởng, nỗi niềm rung lên thật khẽ, bay lên thật cao. Cho nên, thơ gửi gắm tâm hồn con người. Khám phá bài thơ là khám phá tâm hồn con người và hiểu càng đúng, càng sâu, càng tinh tế thì bài thơ càng trở nên hay và có giá trị. Đồng thời, mối quan hệ giữa người nghệ sĩ, tác phẩm và bạn đọc cũng rất khăng khít. Quá trình tiếp nhận của người đọc đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đánh giá và thẩm định giá trị của một bài thơ. Quá trình ấy làm nên “sức sống”, “số phận” của thi phẩm và người đọc tri âm, người đọc lý tưởng không những hiểu nhà thơ mà còn là người đồng sáng tạo, làm đẹp thêm cho những vần thơ vốn lung linh đầy sức gợi. Quá trình ấy giống như khi những tâm hồn đồng điệu chạm nhẹ vào nhau mà sức vang của nó trải dài và để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn học.

Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu là một trong số những thi phẩm thành công, chiến thắng được quy luật của thời gian và có sức lay động, vang vọng trong lòng người. Bài thơ giống như một bản tổng kết lịch sử dân tộc bằng tâm tình qua những kỷ niệm và nỗi nhớ trong đó tâm hồn của một con người gắn với trọn vẹn với từng bước đi của dân tộc được gửi gắm qua những vẫn thơ mượt mà sâu lắng. Từng lời đối thoại hô ứng, đồng vọng vang lên thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng của người cán bộ với chiến khu. Nhà thơ thể hiện những tâm tư, tình cảm của mình đối với sự kiện lớn lao của dân tộc:

Ta với mình, mình với ta

Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh

Mình đi mình lại nhớ mình

Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương.

Trong khoảnh khắc chia tay đầy lưu luyến, tình cảm tha thiết sắt son chợt bật lên thành lời. Ngôn từ giản dị, ý thơ chân thành, từng câu từng chữ cứ như tâm tình, thủ thỉ nhỏ nhẹ nhưng hàm chứa biết bao nhiêu ân tình. Cách diễn đạt mượn ý thơ từ tục ngữ, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, mượn lối xưng hô ta – mình đối đáp khiến cho lời thơ thật ngọt ngào. Những hình ảnh đẹp mơ màng như lung linh hơn trong nỗi nhớ. “Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương”. Cảnh đơn sơ nhưng mang cái hồn, cái tình của một vùng đất bởi đó là nơi người chiến sĩ đã từng gắn bó. Vào khoảnh khắc chia tay:

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô.

Nỗi nhớ về con người, những hoạt động ở đây thật cảm động, thấm thía. Trong những câu thơ ấy, Tố Hữu đã ký thác một chút tâm hồn mình trong hình ảnh, từ ngữ, đặc biệt là giọng điệu:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội rừng vây quân thù.

Rồi:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung.

Từ giọng tâm tình, bài thơ ngay lập tức chuyển sang những câu dồn dập, sôi nổi: Trong cùng một bài thơ, hai chất giọng hòa trộn. Có lẽ vì âm vang lịch sử đã hòa nhịp cùng những rung cảm trong lòng người. Có lẽ vì quan hệ chiến sĩ – đồng bào là điểm tựa cho cuộc chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng. Có nơi đâu trên thế giới này mà cuộc chiến đấu vệ quốc vĩ đại đã biến cả dân tộc thành một ngôi nhà lớn. Những tình cảm cao đẹp và sôi nổi ấy trong lòng minh, trong lòng dân tộc được Tố Hữu gửi gắm trọn vẹn vào thơ. Và đã là người Việt Nam, đã đứng trên non sông đất nước này thì người đọc không thể nào không rung động trước những câu thơ ấy. Việt Bắc hoàn thành tốt sứ mệnh của một bài thơ hay. Người đọc chúng ta lấy niềm tự hào dân tộc để hiểu bài thơ, hiểu những tâm tư của tác giả.

Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên cũng là bài ca của một tâm hồn thơ tài hoa. Bài thơ nổi bật bởi hai nguồn cảm xúc: tâm sự, suy tư của nhà thơ về cuộc đời và những trăn trở về nghệ thuật. Hồn thơ Chế Lan Viên là một thế giới của những suy tư và triết lý. Trong bài này, ông nói về mối quan hệ giữa nhà văn – nghệ thuật và cuộc sống. Ông đưa ra tuyên ngôn nghệ thuật:

 

  • Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép.
  • Tây Bắc ơi, Người là mẹ của hồn thơ.

 

Nghệ thuật bắt rễ sâu xa từ đời sống và chính cuộc sống duy trì sức sống của nghệ thuật. Chính vì vậy mà nhà thơ chân thành trở lại gần gũi với cuộc sống, nhân dân:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai chim én gặp mùa

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa.

Người đọc nhận ra trong khổ thơ niềm vui hân hoan khi trở về với cuộc sống. Người đọc vui hân hoan cùng niềm vui của thi nhân với những so sánh kép tầng tầng lớp lớp rất hợp lý và hiệu quả. Những câu thơ ấy là cầu nối giữa người đọc với những rung động trong tâm hồn nhà thơ. Chính cách hiểu về những hình ảnh này làm nên màu sắc và vẻ đẹp của lớp ngôn ngữ đầy sức gợi.

Những so sánh bất ngờ, những chi tiết bất chợt ấy khiến cho dùng suy nghĩ không khô khan mà lung linh, biến hóa. Nhà thơ hồi tưởng lại những kỷ niệm sâu sắc trong kháng chiến với nhân dân Tây Bắc. Những kỷ niệm hiện lên như một cuộn phim. Hình ảnh của nhân dân được nhà thơ gọi một cách thân thiết, ruột rà: “Con nhớ anh con, người anh du kích”, “Con nhớ em con, thằng em liên lạc”, “Con nhớ mế, lửa hồng soi tóc bạc”. Qua mỗi chi tiết đầy xúc động, nhà thơ muốn nói với chúng ta nhân dân Tây Bắc anh hùng mà tình nghĩa. Dòng hồi tưởng cứ chảy về mang theo nỗi nhớ về vùng đất Tây Bắc thân yêu:

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ

Nơi nào qua lòng lại chẳng yêu thương?

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

Chế Lan Viên đã phát hiện ra được quy luật của tình cảm, của đời sống tâm hồn con người. Nhà thơ dẫn dắt người đọc đến triết lý bằng nhạc và bằng hình:

Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ.

Điệp từ “nhớ” vừa diễn tả sự da diết của tình cảm, vừa tăng cường nhạc điệu cho câu thơ. Về hình họa, trong những câu thơ trên, nhà thơ áp sát ống kính vào từng khuôn mặt thân thương, ruột rà để biểu dương. Đến đây, nhà thơ lùi ống kính ra xa để thu hình ảnh của núi rừng Tây Bắc với những “bản sương giăng”, với những “đèo mây phủ”, hình ảnh huyền ảo của núi rừng Tây Bắc mà cũng là hình ảnh sương khói của hoài niệm. Và nhà thơ nói với lòng mình mà như tìm sự đồng cảm của mọi người:

Nơi nào qua, lòng lại chẳng yêu thương?

Câu thơ của Chế Lan Viên gợi nhớ mấy câu thơ của Hồng Nguyên:

Chúng tôi đi

Mang cuộc đời lưu động

Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng

Đã nghĩ lại rất nhiều nhà dân chúng

Tôi nhớ bờ tre gió lộng

Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau.

(Nhớ)

Nhưng ý thơ của Chế Lan Viên không dẫn tới tự sự mà dẫn đến triết lý:

Khi ta ở chỉ là nơi đất nở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!

Hai câu thơ được kết cấu theo lối đối (Khi ta đi – Khi ta ở) đã diễn tả hai trạng thái của tâm hồn con người và những điệp từ, điệp ngữ tạo âm hưởng cho ý thơ triết lý vốn dễ khô khan. Từ sự chiêm nghiệm của chính mình, tác giả đã phát hiện một quy luật về tình cảm có giá trị khái quát. Nhà thơ đã nói hộ cho chúng ta về sự gắn bó giữa con người với quê hương xứ sở, với những miền đất xa lạ mà chúng ta đã từng sống. Cái cụ thể là “đất” đã hóa thành cái trừu tượng là “tâm hồn”. Hai câu thơ rất là Chế Lan Viên!

Từ triết lý, nhà thơ bỗng chuyển sang diễn tả những rung động cụ thể, riêng tư. Tứ thơ chuyển lạ, nhưng không gãy đổ vì vẫn liền mạc tư duy:

Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét

Tình yêu ta nhưng cánh kiến hoa vàng

Như xuân đến chim rừng lông trở biếc

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Khổ thơ như một rẽ ngoặt đường rừng bày ra cảnh quan mới lạ. Nhưng rồi ta vẫn nhận ra giọng điệu của Chế Lan Viên. Vẫn là từ xúc cảm, hình ảnh cụ thể dẫn đến những suy ngẫm triết luận. Lại tô đậm thêm cảm xúc riêng tư nên câu thơ trở nên xôn xao. “Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét”, những so sánh rất lạ, lấp lánh chất trí tuệ chứ không phải tình cảm thuần khiết. Xét đến cùng thì cũng không phải là nỗi niềm riêng, dù nhà thơ có nói thật tha thiết “Tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng”, mà là “riêng chung” nói như Xuân Diệu. Cái lấp lánh của màu sắc “cánh kiến hoa vàng” như “chim rừng lông trở biếc” là cái lấp lánh của trí tuệ. Tác giả như phát hiện ra mối quan hệ khăng khít của sự vật như mùa đông với cái rét, như mùa xuân với “chim rừng lông trở biếc”. Và cái da diết của nhạc điệu, của hình ảnh, của màu sắc để sửa soạn cho một triết lý mới:

Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương.

Mỗi người đều tự cảm nhận, thấm thía với triết lý, Và như thế là tác giả đã đạt đến chiều sâu của chủ đề Tiếng hát con tàu.

quan diem cua hoai thanh ve tho sau cach mang thang tam 4

Rồi nhà thơ lại giục giã lên đường xây dựng quê hương Tây Bắc. Tất cả những hồi tưởng, những hoài niệm, những triết luận là để nhằm đến việc thực hiện nhiệm vụ lịch sử này:

Đất nước gọi hay lòng ta gọi?

Tình em đang mong tình mẹ đang chờ

Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội

Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.

Xây dựng quê hương Tây Bắc cho mẹ”, cho ‘em” thì còn ai là không tha thiết, không nhiệt tình? Riêng đối với nhà thơ thì Tây Bắc còn là nguồn cảm hứng, nguồn sáng tạo, nguồn thơ, là giá trị tinh thần thiêng liêng nên cuộc “trở về” có ý nghĩa biết bao! Tác giả kết thúc Tiếng hát con tàu bằng những ý tưởng lãng mạn thật đẹp và tình yêu nồng nàn (rộng là tình yêu cuộc sống và hẹp mà yêu em):

Lấy lại những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?

Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng

Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống

Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.

Có thể nói với tâm hồn nhạy cảm, chất trí tuệ mẫn tiệp vốn có và sự bồi đắp của những tình cảm mới mẻ, cách mạng, Tiếng hát con tàu đã trở thành bài thơ hay, có sức hấp dẫn với bạn đọc nhiều thế hệ. Lịch sử đã sang trang, dân tộc ra đang tiếp tục hành trình vào thiên niên kỷ mới. Trong không khí đất nước thanh bình, đọc lại Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, tư như cảm nhận được âm vang của một thời đại dân tộc say mê cùng lý tưởng vẫn lan tỏa đến tận hôm nay. Tiếng thơ ấy không chỉ gợi lên những suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi người gắn cùng dân tộc mà còn khơi dậy những ân tình với quá khứ. Bài thơ của Chế Lan Viên vẫn đi cùng năm tháng bằng suy ngẫm, tình cảm máu thịt gắn bó với nhân dân, đất nước, thời đại.

Ý kiến của nhà phê bình Hoài Thanh đã khái quát được quy luật của văn chương và đưa đến cho độc giả một bài học lớn trên con đường tiếp nhận văn học. Người đọc khi đến với những bài thơ hay như Việt Bắc, Tiếng hát con tàu sẽ gặp gỡ và tri ân với tâm hồn nhà thơ. Sự tri ân và đồng điệu ấy là con đường để khám phá thơ hay và đồng sáng tạo với tác giả. Một tác phẩm văn học có thể có sự tiếp nhận khác nhau từ phía độc giả, tùy theo trình độ, gu thẩm mỹ, quan niệm, sở thích của người đọc. Tác phẩm văn học là một hệ mở, người đọc là chủ thể tiếp nhận khí tiếp cận tác phẩm đã đánh thức từ trong tác phẩm những con chữ bép dí biết “lồm cồm bò dậy”, chính thế giới tâm hồn và sự tưởng tượng của độc giả đã thổi linh hồn vào ngôn từ trong tác phẩm. Tiếp nhận văn học là sống với tác phẩm văn chương, rung động với nó, vừa đắm chìm trong thế giới nghệ thuật của nhà văn vừa tỉnh táo lắng nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài nghệ của người nghệ sĩ sáng tạo. Chính tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài nghệ của người nghệ sĩ sáng tạo. Chính cách đọc bài thơ “lấy hồn tôi để hiểu hồn người” đã đưa những bài thơ như Việt Bắc, Tiếng hát con tàu thăng hoa trở thành những bài thơ của “muôn đời!”.

Với cách đọc “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, nhà phê bình Hoài Thanh đã đem đến cho người đọc những trang nghiên cứu, phê bình văn học tinh tế, sắc sảo. Những tác phẩm phê bình như Thi nhân Việt Nam (1942), Quyền sống của con người trong truyện Kiều của Nguyễn Du (1949), Nói chuyện thơ kháng chiến (1950) là minh chứng cho cách đọc thơ và tấm lòng yêu thơ của nhà nghiên cứu văn học Hoài Thanh. Ông đã góp phần giới thiệu và tôn vinh những bài thơ hay cho nhân loại!

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here