Suy nghĩ của em về ý kiến: Văn học giống như ánh sáng, nó có thể xuyên thấu mọi thứ” qua tác phẩm Truyện Kiều

ĐỀ bài: Nhà văn Anh, A. L. Huxley cho rằng: Văn học giống như ánh sáng, nó có thể xuyên thấu mọi thứ. Trình bày suy nghĩ của em về ý kiến và bằng hiểu biết về kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du hãy làm sáng tỏ quan điểm của mình.

I. MỞ BÀI

– Khi đề cập đến giá trị của văn học người ta nói nhiều tới sự tác động của văn học đối với đời sống tư tưởng, tình cảm; nói nhiều tới khả năng soi rọi, chiếu tỏ của văn học đối với nhận thức của con người.
– Nhà văn Anh, A. L. Huxley cho rằng: Văn học giống như ánh sáng, nó có khả năng xuyên thấu mọi thứ.

– Truyện Kiều của Nguyễn Du xưa nay vẫn được coi là tác phẩm văn học mang ánh sáng, có giá trị nhiều mặt đối với đời sống của con người.

Suy nghi cua em ve kien van hoc giong nhu anh sang no co the xuyen thau moi thu qua truyen kieu

II. THÂN BÀI

1. Giải thích ý kiến

– Ánh sáng là cách nói hình ảnh có tác dụng gợi ra vẻ đẹp lung linh, kì diệu và khả năng soi rọi, chiếu tỏ.

– Văn học giống như ánh sáng, nó có khả năng xuyên thấu mọi thứ: Ánh sáng của văn học là vẻ đẹp của cảm xúc, tư tưởng, hình thức nghệ thuật… mà nhà văn đã chuyển hóa vào trong tác phẩm. Ánh sáng ấy có khả năng kì diệu trong việc soi sáng nhận thức, thắp sáng niềm tin, nâng cao hiểu biết của con người; để lại những ấn tượng sâu sắc và có giá trị lâu dài. Luồng ánh sáng của văn học có thể xuyên thấu, chiếu tỏ, soi rọi vào mọi phương diện, mọi ngóc ngách của đời sống. Như vậy, bằng lối diễn đạt so sánh, ý kiến đã khẳng định giá trị quan trọng của văn học đối với đời sống con người.

2. Bàn luận

– Văn học là hoạt động nhận thức và sáng tạo thẩm mĩ. Giá trị thẩm mĩ là một trong những giá trị cơ bản nhất của văn học. Tác phẩm văn học đem lại cho người đọc khoái cảm trước cái đẹp của đời sống mà nhà văn khám phá, thể hiện. Đó là cái đẹp được chọn lọc, chưng cất, nhân lên nhiều lần như một thứ ánh sáng diệu kì, đầy sức hấp dẫn.

– Văn học nghệ thuật tồn tại với tư cách là một hình thái nhận thức, có tác dụng soi sáng, mở rộng sự hiểu biết cho con người. Văn học đưa ta tới những chân trời hiểu biết mới, giúp ta hiểu hơn về cuộc sống con người ở mọi không gian và thời gian. Từ đó giúp ta soi chiếu, liên hệ, nhận thức về chính bản thân mình.

– Văn học thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ, làm bừng sáng nhận thức của con người cũng chính là văn học đang mở đường cho đạo đức, giúp con người hướng thiện và hoàn thiện nhân cách.

3. Chứng minh

Học sinh dựa trên những hiểu biết về Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du để chứng minh cho ý kiến trong đề bài. Có thể có nhiều cách làm nhưng cần làm rõ ánh sáng của Truyện Kiều được thể hiện ở hai phương diện, nội dung tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật:

– Về nội dung tư tưởng, Truyện Kiều là kết tinh những cảm xúc, suy tư của một người nghệ sĩ có trái tim nhân ái, bao dung đã cầm bút viết lên những trang thơ có tác động mạnh mẽ đến tâm hồn người đọc. Đến với Truyện Kiều, con người được thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp ngoại hình và tâm hồn, tài năng của con người. Vẻ đẹp của hình tượng nhân vật trong tác phẩm còn có khả năng soi sáng, giúp cho người đọc nhìn lại mình để hoàn thiện những phẩm chất tốt đẹp như: hiếu thảo, thủy chung, vị tha… Truyện Kiều còn đưa ta trở về quá khứ, hiểu hơn về cuộc sống của con người trong xã hội phong kiến đầy rẫy bất công, cảm thông với những nỗi đau khổ, đồng cảm với ước mơ và khát vọng công lí của họ. Truyện Kiều còn chứa đựng một thứ ánh sáng đặc biệt có thể chiếu rọi đến những chỗ sâu kín nhất của tâm hồn con người, phát hiện ra những góc khuất, những bi kịch giằng xé, mâu thuẫn nội tâm không dễ nói ra của con người…

Suy nghi cua em ve kien van hoc giong nhu anh sang no co the xuyen thau moi thu qua truyen kieu 2

– Về nghệ thuật, Truyện Kiều đạt được nhiều thành tựu đặc sắc, độc đáo: nghệ thuật xây dựng nhân vật, kết hợp hài hòa yếu tố tự sự và trữ tình, đặc biệt là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.

Nói như Nguyễn Đình Thi thì ngôn ngữ của Truyện Kiều là thứ ngôn ngữ của ánh sáng, nó không chỉ đẹp mà còn hàm chứa những tầng ý nghĩa sâu sắc…

4. Đánh giá mở rộng

– Chỉ những nhà văn có trách nhiệm với cuộc đời, với ngòi bút mới luôn ý thức về chức năng cao quý của văn học mỗi khi sáng tạo. Mỗi tác phẩm của họ ra đời cũng vì thế mà có tư tưởng sâu sắc, có ý nghĩa lớn lao đối với con người và cuộc đời.

– Ý kiến khẳng định tác dụng kì diệu của văn học đối với con người và cuộc sống. Nó cũng nhắc nhở mỗi nhà văn về thiên chức và sứ mệnh cao cả của người cầm bút trong quá trình sáng tạo

III. KẾT BÀI

– Tác phẩm văn học là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, không chỉ mang đến giá trị thẩm mĩ, nhận thức mà còn giáo dục, soi sáng tâm hồn con người.
– Truyện Kiều và những giá trị của nó là viên ngọc tinh thần vô giá mà mỗi người cần có thái độ giữ gìn, bảo tồn để những giá trị ấy còn mãi với thời gian.

 

Rate this post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *